3 thg 8, 2014

Người Việt “xấu xí”

Người Việt “xấu xí”

Trên ghế nhà trường, chúng ta luôn được nghe và học về hình ảnh con người Việt Nam đẹp đẽ với ác đức tính như chăm chỉ, cần cù, yêu nước, thương thân, vị tha. Song thực tế không hoàn mĩ như ta vẫn nghĩ, bởi luôn tôn tại những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng người Việt “xấu xí”. Mà hình ảnh đỏ không chỉ tồn tại trong nước mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia bè bạn.

Đầu tiên, tại sao lại có cụm từ người Việt “xấu xí”? Đây là cách gọi thể hiện hình ảnh người Việt chúng ta trong mắt bạn bè năm châu. Là con người, không ai hoàn mĩ cả, nên mới có câu “tốt khoe xấu che”, thế nhưng người Việt ta lại phô bày những điều không tốt đẹp nhất. Ở một số quốc gia, khi nhắc tới người Việt Nam, đa phần chúng ta sẽ phải hứng chịu ánh nhìn gay gắt, kì thị thậm chí là chán ghét. Điển hình nhất chính là ví dụ khi người Việt xuất ngoại ở một số sân bay quốc tế, hay nói trong phạm vi nhỏ hơn là ở Nhật, những cô gái tiếp viên xinh đẹp luôn vui vẻ nở nụ cười ngọt ngào với các đoàn khách. Thế nhưng, khi mở hộ chiếu là thấy đây là người Việt Nam, thái độ của họ sẽ thay đổi ngay lập tức, dù cho chúng ta chẳng làm gì mất lòng họ cả. Một ví dụ khác là tại chợ hay siêu thị hay các của hàng lớn của một số quốc gia, ta có thể thấy các tấm bảng lớn được treo với dòng chữ BẰNG TIẾNG VIỆT:  “Coi chừng người Việt Nam ăn cắp vặt”. Thật nhục nhã phải không? Nhưng tất cả các biểu hiện trên đều phản ánh đúng vế cái nhìn của các nước khác vào con người Việt Nam chúng ta mà thôi.

Vậy, chúng ta đã làm gì để bị kì thị như vậy? Đừng vội kết luận rằng các phản ứng trên các nước bạn là vô lí. Tự bản thân người Việt ta nếu chú ý một chút, đều có thể nhìn nhận về các “xấu” của chính mình. Ngay tại trong nước, việc ăn cắp vặt, móc túi đã tồn tại khắp nơi. Các hành vi thiếu tôn trọng người khác như hút thuốc nơi đông người, xả rác, chen lấn, xô đẩy, ăn nói to tiếng với nhau nơi công cộng,… đã trở thành thói quen khó bỏ. Nếu trong nước đã thế, hiển nhiên là người ta cũng có thể mang những cái xấu ấy đến nước bạn. Người Việt “xấu xí” không chỉ là cái nhìn các quốc gia khác với người Việt ở nước họ, mà đó cũng là ánh nhìn của du khách khi đến với nước ta. Con người Việt Nam có một tật xấu, đó là họ luôn cố tận dụng tất cả lợi lộc mà họ có thể với tới được, thậm chí có thể nói là họ chỉ để ý tới cái lợi trước mắt mà không biết tới cái lợi về sau. Vụ việc chiếc taxi chở khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về quận 3 với giá 300$ đã một thời gây xôn xao dư luận. Hay cụ thể hơn là bạn tôi, một cô gái nước ngoài đã nhiều lần đến với Việt Nam, nên hiển nhiên là cô biết đường phố phải đi như thế nào rồi. Và một lần đi từ quận 1 đến quận 5 ăn tiệc, cô bị taxi chở đi lòng vòng và họ đã cãi nhau to. Tất cả những hành động ấy đều để lại ấn tượng xấu cũng như sự cảnh giác cao độ hơn trong lòng du khách khi đến với nước ta. Bạn có biết rằng khi bạn tôi đến Việt Nam, cô ấy kể vui rằng khi cô ấy nói điều đó với bạn bè, họ đều khuyên cô nên coi chừng này, cảnh giác nọ. Từ đó, có thể thấy chính những hành vi thiếu văn hóa  đã ăn sâu vào tâm lí bạn bè các nước, bôi đen những cử chỉ đẹp đẽ mà ta đã cố gắng xây dựng đi và thậm chí nó trở thành thành kiến của họ với chúng ta, là nguyên nhân chính dẫn đến sự kì thị mà chúng ta phải hứng chịu ngày hôm nay.

Là con người, ai cũng có thói quen thích được khen và ghét bị chê, nhưng chắc hẳn ai cũng biết biện pháp tốt nhất chính là khiến người Việt nhìn nhận cái xấu của chính mình. Chúng ta có một thói quen không tốt, đó là khi thấy người dân tộc mình có những hành vi sai trái, xấu xí, chúng ta thường tỏ vẻ không liên can, rằng đó là họ còn ta thì khác. Thậm chí có những con người còn thêm lời dèm pha, phụ họa nói xấu đồng bào mình, mà có biết chăng chính họ cũng đang thực hiện những hành động “xấu xí” đó. Nhà xuất bản Thanh Niên đã rất can đảm khi cho phát hành quyển sách “Người Việt – Phẩm chất và thói hư tật xấu”. Quyển sách đồng thời nhận được các ý kiến hưởng ứng, cũng như những phản hồi bình luận tiêu cực. Song, quyển sách cũng đã thành công khi khiến nhiều con người nhận ra và đồng ý rằng mình đang có điều xấu xí mà quyển sách đề cập đến. Nhưng nhìn nhận thôi chưa đủ, mỗi con người Việt Nam chúng ta đều phải nỗ lực khắc phục cái xấu của mình để bản thân không còn “xấu xí” nữa.

Chúng ta không thể bảo rằng việc người việc “xấu xí” đã trở thành thành kiến muôn đời, có cố gắng cũng không sửa được. Đó là cách xuy xét sai lầm và thiếu tinh thần cầu tiến. Điển hình là một học sinh, tôi có thể tập thói quen đi học sớm, bỏ thói xấu “giờ dây thun”, tuân thủ luật giao thông hay đơn giản hơn là chịu khó cầm rác hơn một phút để tìm thùng rác cho chúng, cũng như tuyên truyền, giới thiệu cái đẹp của nước ta với bạn bè cùng trang lứa ở các nước khác. Dù muộn còn hơn không làm gì, việc ứng xử đúng mực, có văn hóa khi đi du lịch, du học, định cư cũng là một giải pháp tốt. Quả thật rất khó để sửa đổi thành kiến, nhưng không gì là không thể khi ta nỗ lực, cố gắng.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, không có một dân tộc nào trên thế giới hoàn hảo không tì vết cả. Bản thân người việt chúng ta vẫn còn những cái đẹp mà ta luôn tự hào mà. Vẫn có những bác xe ôm thật thà nhiệt tình hướng dẫn chỉ đường cho du khách, luôn có những người không bao giờ “giờ dây thun”, không bao giờ có đủ can đảm lấy đi những gì không phải của mình. Ở một góc khác, dân tộc ta vẫn thật đẹp đẽ biết bao. Người Việt Nam có thể ăn cắp vặt, nhưng cũng là người Việt Nam không tiếc lấy sức cứu lấy những người Hoa, người Malaysia chẳng quen chẵng biết trên chiếc máy bay MH-370 gặp nạn giữa đại dương. Chúng ta không hoàn toàn “xấu xí”, chỉ là chúng ta có nhiều phần không đẹp mà thôi. Vì thế, là một người Việt Nam, việc tự ái về dân tộc mình, hay thậm chí như nhiều người khi tới những đất nước khác, họ vì ngượng mà “khai gian” rằng mình là người Hoa, người Lào, là một hành vi rất đáng lên án. Có thể nó khiến cho cá nhân ta không cảm thấy xấu hổ với bạn bè, nhưng đó cũng đồng nghĩa với việc ta chối bỏ quê hương, chối bỏ dân tộc. Và chính khi đó, ta cũng đã trở thành một người Việt “xấu xí”

Nếu nhìn lại, ta sẽ thấy rằng lịch sử cha ông ta trước đây không hề xấu xí như vậy. Dân tộc ta đã từng là một dân tộc lớn mạnh với đủ các phẩm chất đạo đức tốt đẹp. vậy tại sao chúng ta lại làm xấu đi những điều đẹp đẽ đó? Ngay từ hôm nay, mỗi người con đất Việt chúng ta phải tự ý thức được cái xấu của mình, và sửa đổi nó. Để sau này, không chỉ chúng ta mà cả đời con đời cháu cũng có thể ưỡn ngực tự hào mình là con người Việt Nam, là con rồng cháu tiên. Và hơn cả, là để cụm từ người Việt “xấu xí” không còn tồn tại nữa.


Messie Huỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét