21 thg 6, 2016

WELCOME


CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI Hermes's Home
~ Ngôi nhà của thần Hermes ~ 


Giới thiệu sơ nét cái về ngôi nhà này (cũng là WARNING lun đóa)
  • Đây là blog cá nhân mở ra với mục đích tất nhiên là cho vui và phi lợi nhuận
  • Các bài đăng được up đều do tự tay tớ viết nhé, không copy hay lấy cắp ở đâu cả nên nếu phát hiện có bài giống hệt thì nhớ nhá tớ một tiếng (trừ những bài viết ở phần "Tạp nham")
  • Nếu có bạn nào muốn lấy bất cừ tài liệu hay thông tin nào được kí tên bởi tớ thì xin một tiếng nghen, chẳng mất gì đâu, và nhớ ghi nguồn đến Hermes's Home
  • Sau khi tham quan và thấy hay thì like cho tớ. Sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu bạn để lại lời nhận xét, đó chính là sự động viên tốt nhất, cũng như giúp tớ nhìn thất lỗi sai và càng hoàn thiện mình hơn.
  • Ờ thì còn bla bla cái muốn nói những cũng chẳng biết nói gì, thôi thì để sau hen
Chúc mọi người tham quan zui zẻ
Messie Huỳnh






28 thg 10, 2015

Nét mới trong cảm nhận về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Chủ đề đất nước chưa bao giờ là cũ, và trong thời kì sôi nổi như kháng chiến chống Mĩ, đây lại càng là đề tài nổi bật nhất. Trên mặt trận văn hóa tinh thần, các nhà thơ trẻ đã thật sự làm nên một dàn đồng ca với những giọng thơ hết sức phong phú. Nếu Phạm Tiến Duật trẻ trung sôi nổi, Nguyễn Duy sâu sắc hóm hỉnh, Xuân Quỳnh đằm thắm yêu thương thì với “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã góp vào dàn đồng ca ấy một giọng thơ tâm tình sâu lắng. Vậy điều gì đã khiến “Đất Nước” bật lên giữa hàng trăm tác phẩm về chủ đề kinh điển, quê hương đất nước? Đó có lẽ chính là những cảm nhận mới là của Nguyễn Khoa Điềm về Đất nước đã làm nên sự khác biệt.

Năm 1943, xứ Huế lại mang đến cho nền thi ca dân tộc một cây bút lỗi lạc. Đó có thể là ai nếu không phải là Nguyễn Khoa Điềm, người đã mang lại cho cuộc đời biết bao tác phẩm rất đặc sắc, rất riêng. Nhìn lướt qua tiểu sử cuộc đời ông, sinh ra tại Huế, học ở Hà Nội, làm việc ở miền Nam rồi trở về quê hương thì chẳng lạ gì khi ông có kiến thức sâu sắc về Tổ quốc mình đến vậy. RIêng “Đất Nước”,được trích từ tác phẩm “Trường ca Mặt đường khát vọng”, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ vùng tạm chiếm miền Nam.

Khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta sắp bước vào thời điểm quyết định nhất, Nguyễn Khoa Điềm không hướng ngòi bút vào hiện thực khốc liệt của chiến tranh như những cây bút đồng thời mà lặng lẽ đối thoại với thanh niên để thức tỉnh họ. Lúc bấy giờ, với sự giáo dục của Mĩ mang đậm tính chất chủ nghĩa tư bản “Biên giới Hoa Kì kéo dài đến vĩ tuyến 17, ở đâu sung sướng, ở đâu kiếm được nhiều tiền thì ở đó là Tổ quốc.” Một bộ phận tuổi trẻ vùng đô thị tạm chiếm miền Nam đã sống một cách rất vô tư, thờ ơ khi danh dự, tất đất của Tổ quốc bị chà đạp bởi thứ văn hóa nô dịch sặc mùi Đế quốc.

Nét mới đầu tiên của tác giả chính là cái nhìn bình dị về quê hương. Các nhà thơ đi trước và cùng thế hệ Nguyễn Khoa Điềm đã mải mê tự tạo ra khoảng cách để chiêm ngưỡng hình ảnh Tổ quốc với những nét kì vĩ, mỹ lệ đầy lớn lao hay những trang sử hào hùng. Như cách Nguyễn Đình Thi cảm nhận Đất nước ở những nét rất hoành tráng trong một tác phẩm cùng tên

“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”

Giản dị hơn, Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn một “Đất Nước” rất thân thuộc, gần gũi. Ông bắt đầu bài thơ với những điều đơn sơ nhất.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”

Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm không dứt khoát màu lửa mà da diết sâu lắng với những điều quen thuộc nhất: câu chuyện cổ tích mẹ kể, “miếng trầu bây giờ bà ăn”, ngôi nhà, hạt gạo,…

Một nét mới nhưng không kém phần đặc sắc của tác giả chính là giọng thơ suy tư trong cả đoạn trích. Đoạn thơ mở đầu cũng có thể được xem như câu trả lời cho từng câu hỏi ẩn hiện xuyên suốt đoạn thơ: Đất nước có từ bao giờ? Đất nước trưởng thành ra sao?... Có thể thấy cách nhìn nhận về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm được xây dựng tương tự như hành trình cuộc đời của một con người. Và lịch sử lâu đời của Đất nước không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp của các triều đại “Từ Triệu ĐInh Lý Trần bao đời gây nền độc lập” (Bình Ngô đại cáo) hay các sự kiện lịch sử mà lại được vẽ nên từ những câu chuyện kể tuổi thơ, gợi nhớ đến các truyền thuyết xa xưa: sự tích trầu cau, truyền thuyết Thánh Gióng,… Nền văn minh dân tộc cùng những phong tục tập quán lâu đời cũng được lưu giữ trong từng dòng “Đất Nước”.

Tiếp nối mạch thơ chính luận- trữ tình là câu trả lời cho câu hỏi: Đất nước là gì? Điểm đặc sắc nhất xuyên suốt phần đầu đoạn trích chính là cách Nguyễn Khoa Điềm chia tách nhằm định nghĩa hai yếu tố đất, nước để có thể cảm nhận và suy tư sâu hơn về Đất nước chứ không chỉ dừng lại ở khái niệm đơn thuần. Hình tượng Đất nước thiêng liêng qua ngòi bút của tác giả vừa mang tính cá thể hóa lại vừa hết sức táo bạo đong đầy quan niệm mới của tuổi trẻ

“ Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm….”

Đát nước nay không còn là máu lửa chiến tranh mà đong đầy kỉ niệm tình yêu dịu ngọt trong đôi mắt của những người trẻ tuổi. Đất nước, cái không gian tuyệt diệu ấy không chỉ chứa đựng tình yêu hiện tại mà còn là của biết bao thế hệ qua đi, hướng suy tư của chúng ta về nguồn cội. Cái không gian về tình yêu ấy theo ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm dần mở rộng theo nhiều chiều, để rồi hướng tới một cái nhìn toàn vẹn hơn từ lịch sử đến địa lí sang văn hóa phong tục. Từ đó, tứ thơ hướng độc giả vào những suy ngẫm về trách nhiệm của thế hệ mình, như một lời nhắc nhở cả thế hệ tự ý thức một cách rất nhẹ nhàng.

“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Với cách dùng cụm từ “em ơi em”, đoạn thơ từ một lời giáo huấn nay đã được chuyển hóa nhẹ nhàng thành một lời dặn dò, tâm sự. Ở đây, ta phải hiểu được cái hay của Nguyễn Khoa Điềm chính là tứ thơ rất tâm lí, đánh động vào tim người đọc. Con người ta luôn có một thói quen bảo hộ và giành lại những gì “của mình”, nhất là lớp thanh niên được giáo dục dưới ngọn cờ chủ nghĩa Đế quốc.  Tác giả đã đánh một đòn tâm lí rất mạnh thông qua ý thơ trên với một giọng thơ thật dịu dàng.
Nét mới trong cách nhìn nhận của Nguyễn Khoa Điềm mà có thể xem là đặc sắc nhất, làm nên sự khác biệt của “Đất Nước” so với các tác phẩm cùng đề tài chính là quan niệm “Đất Nước của Nhân dân”. Với cách nghĩ và ý kiến thông thường, đa phần các tác giả sẽ nhắc đến các trang sử hào hùng làm nên một Việt Nam nghìn năm văn hiến, với truyền thống dựng nước và giữ nước. Như cách “Tổ quốc tôi bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên nhìn Đất nước qua bề dày lịch sử oai hùng.

“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng”

Tuy nhiên, ta có thể thấy xuyên suốt “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm không nhắc đến những tên tuổi vang dội hay những thắng lợi lịch sử mà đổi lại là những con người, nhân dân bé nhỏ “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng lại là những người “làm ra Đất Nước”. Có thể nói tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” là cốt lõi của cả đoạn trích, nhưng lại được khai thác mạnh mẽ nhất ở phần cuối bài. Tất cả những vẻ đẹp của Đất nước trên mọi phương diện văn hóa, lịch sử, địa lí theo Nguyễn Khoa Điềm, chính là những tinh hoa của bao công sức, khát vọng của nhân dân. Ông nhấn mạnh lớp người vô danh “đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm”. Cuối cùng, cốt lõi của cả đoạn trích được tác giả một lần nữa nếu rõ và khẳng định

“Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”

Với một cái nhìn đầy suy tưởng cùng việc lấy tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” làm chủ đạo, xen lẫn trong giọng thơ trữ tình-chính luận sâu lắng đã làm nên những nét mới trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất nước. Bên cạnh đó, nghệ thuật sử dụng đầy sáng tạo các chất liệu văn hóa, văn học dân gian cũng góp phần tăng thêm sự hấp dẫn của đoạn trích. Cùng nhau, tất cả đã mang đến sự khác biệt đầy nổi bật của tác phẩm “Trường ca Mặt đường khát vọng” nói chung và đoạn trích “Đất Nước” nói riêng giữa rất nhiều các tác phẩm đương thời.


Messie Huỳnh

21 thg 6, 2015

CÁNH GÀ CHUA NGỌT


Lần đầu làm món này là do rãnh rỗi mò lục trên mạng, nhưng mà hầu hết các công thức đều quá nhiều bước với tương đối phức tạp, làm hao nhiều thời gian và quá công phu.
Thế là mình bắt đầu chế biến lại 1 chút, lược bỏ nhiều đoạn đi và cho ra cái gì đó của riêng mình =))) Buồn cười là cả nhà đều khen ngon, nên giờ quăng blog cho nhà khỏi đóng bụi =)))


Nguyên liệu:
15 cánh gà ngon
2 trái cà chua 
3 trái me
Gia vị: ớt đập dập cắt nhỏ, tiêu, đường, muối, ớt, nước mắm, hạt nêm, hành tỏi

Cách làm

Đầu tiên là xử lí gà. Cánh gà rửa sạch, cắt vừa ăn. Ướp với 1 muỗng cafe hạt nêm, 2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cafe tiêu, 1/2 muỗng cafe ớt, 1 ít nước mắm. Ướp trong vòng 15 tới 20 phút cho thịt thấm. Trong lúc đó ta chuyển sang xử lí các phần khác. 

Cà chua rửa sạch cắt hạt lựu. Me lột vỏ, bỏ vào 1 chén nước sôi dầm lấy nước. Lược bỏ hạt, cho vào trong chén ớt, nước mắm, đường. Nêm theo tỉ lệ 2 chua : 1 ngọt : 1 mặn (nói trắng ra vừa miệng là được :p




Vớt gà đã thấm gia vị ra để ráo bớt nước, cho vào chảo chiên chín vàng thì vớt ra để ráo dầu.

Cho hành tỏi phi vàng trong nồi sạch thì cho cà chua vào xào nhanh,xong vặn nhỏ lửa để lấy nước cốt. Khi cà chua tương đối mềm thì cho cánh gà vào nồi, đổi từ từ phần nước me, sau đó thêm vào nồi nửa chén nước, nhỏ lưa cho đến khi nước sệt lại, nếm vừa ăn. Trước khi tắt bếp xốc nhẹ nồi để nước sốt thấm đều.




Tèn ten!!!


Để gọi là thành công thì món gà của bạn phải như này:
- phần cánh vỏ giòn, trong mềm thấm đẫm gia vị
- hương vị đầm đà, chua chua nhưng vẫn có phần mặn ngọt vừa ăn
- nên dùng chung với cơm là đỉnh nhất =)))



Chúc cả nhà thành công và ngon miệng ^^

Messie.H

19 thg 3, 2015

Chỉ ở Sài Gòn … hủ tiếu mới gõ


Chỉ ở Sài Gòn …
… hủ tiếu mới gõ.



Hủ tiếu gõ là cách gọi thân thuộc cho những xe hủ tiếu đêm, bình dân và đạm bạc. Đây hẳn là món ăn thân thuộc với bất kì tầng lớp xã hội nào ở Việt Nam, bởi hình ảnh chiếc xe hủ tiếu vẫn luôn hiện diện khắp nơi trong cuộc sống về đêm, là người bạn đường quen thuộc của người dân đô thị.

    Hủ tiếu gõ có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, không phải là một hàng quán nào, mà chỉ là một chiếc xe đẩy, và người bán sẽ đẩy xe len lỏi trong khắp các con hẻm, nẻo đường đến với thực khách. Quán hủ tiếu thường nằm ở một vỉa hè trống, mọi thứ cũng chỉ gói gọn trong một chiếc xe nhỏ, phía bên dưới chứa được thùng nước lèo, người chế biến tận dụng tối đa chiếc xe kéo chất những bàn ghế, tô, đũa, thau, xô,nước...và những gia vị dùng trong việc làm ra tô hủ tiếu. Để có một gánh hủ tiếu bán đêm thì ngay sáng sớm họ phải len lỏi qua các chợ đầu mối để mua nguyên vật liệu từ thịt, giá, hẹ, tương, ớt, chanh... Hủ tiếu gõ thường có thành phần ít hơn một tô hủ tiếu trong quán, mỗi thứ một chút, một chút hủ tiếu (sợi trắng mịn, nhỏ như sợi mì vằn thắn nhưng mềm hơn nhiều), ít giá, vài lát thịt thăn thái mỏng hoặc bò viên, hẹ, hành khô và miếng tóp mỡ bùi thơm chỉ bé bằng hạt đậu. Bán hủ tiếu gõ không cần khéo tay, cũng không cần nhiều vốn.

     Nếu chỉ đơn thuần là những xe hủ tiếu như thế, ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu từ bắc chí nam. Nhưng, chỉ ở Sài Gòn, hủ tiếu mới gõ…

    Chỉ Sài Gòn, những đứa trẻ phụ bán sẽ mang một nhiệm vụ cao cả, là len vào trong các chợ, đi khắp những con đường xung quanh, dùng thanh gỗ, hoặc kim loại để tạo những tiếng vang giữa đêm trường nhưng một cách rao bán nhẹ nhàng, và khi ta đói, chỉ cần gọi người đi gõ vào, thì họ sẽ quay về và mang đến tận nơi cho khách món ăn họ yêu cầu. Đâu chỉ gõ, những người đó còn là người người phụ đẩy xe, đưa thức ăn và kiêm nốt cả chân chạy bàn.

    Hủ tiếu gõ không ngon, nhưng lại rẻ. và người ta đến với hủ tiếu gõ cốt chỉ để no chứ không vì mục đích thưởng thức mĩ vị. Hủ tiếu gõ giản đơn là món lót dạ cho người dân thành thị sau các cuộc vui đêm, khi đa phần các hàng quán đều đã dọn dẹp đóng cửa, là biện pháp tạm thời kiềm chế cơn đói lúc khuya, nhưng lại thân thương nhất với những tầng lớp bình dân, là chén cơm tối muộn cho công nhân tăng ca đêm, là bữa ăn sớm cho người ra chợ dọn hàng đâu chừng hai giờ sáng. Đa số người ta chọn hủ tiếu gõ như một phương pháp làm hài lòng bao tử, chứ hiếm ai xem nó như bữa ăn chính. Hủ tiếu gõ xuất hiện vào chiều tối, gắn liền với cuộc sống về đêm và biến mất khi mặt trời chưa kịp ló dạng. Người bán hủ tiếu gõ thường cuộc sống cũng không khá giả là bao. Đa số những người bán hủ tiếu gõ là người từ miền Trung, nhất là ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Một tô hủ tiếu nhỏ nhoi chỉ đủ lời vài nghìn đồng lo toan cho cuộc sống, nuôi con nhỏ ăn học thành người.


    Thời thế đổi thay, những hàng quán xuyên đêm hay những tòa cao ốc nay mọc lên như nấm sau mưa khắp thành phố dần xóa đi tiếng gõ hủ tiếu giữa Sài Gòn, khiến âm thanh trong trẻo ấy như tiêu biến giữa những xô bồ của thành phố. Nếu bạn may mắn, có lẽ sẽ được nghe lại tiếng gõ thân thuộc kia vào một đêm nào đó. Nhưng tuy chẳng còn ai gõ, những chiếc xe hủ tiếu vẫn ở đó, vẫn là lựa chọn quen thuộc, như một thói quen ăn đêm của nhiều người, bởi sự bình dân của hủ tiếu gõ.

Messie.H

27 thg 8, 2014

Quan niệm về tiền và hạnh phúc

Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao trong chúng ta lại có những con người mù quáng chạy theo đồng tiền, hay luôn luôn khao khát hạnh phúc? Nhiều người cho rằng tiền bạc và hạnh phúc là hai khái niệm riêng biệt, song chúng ta phải thấy rằng hai khái niệm ấy vô hình chung lại có mối quan hệ chặt chẽ và gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc sống, tồn tại song song và không thể tách rời.

Thế, hạnh phúc là gì? Đó là cảm giác lâng lâng vui sướng, thỏa mãn khi ta đạt được một điều mà ta mong muốn. Ví như khi một người học sinh sẽ thấy hạnh phúc khi đạt điểm cao, hay thành tích vượt hơn mong đợi, và cha mẹ họ cũng vui theo. Hay theo quan niệm một số người, hạnh phúc là khi ta cảm thấy được bình yên. Còn tiền bạc là một dạng vật chất với mục đích đơn giản hóa giá trị đồ vật, được sử dụng để chi tiêu, mua bán. Từ đó, ta có thể thấy rằng một người càng sở hữu nhiều tiền thì đồng nghĩa với việc họ sở hữu nhiều vật có giá trị.

Mỗi người có một quan điểm khác nhau về tiền bạc và hạnh phúc. Một số người cho rằng hạnh phúc thì quan trọng hơn tiền bạc, có tiền chưa chắc mua được hạnh phúc, và ngược lại, số khác lại cho rằng tiền là tất cả, “có tiền mua tiên cũng được”. Những người đi theo quan điểm hạnh phúc cho rằng, con người chúng ta tuy không thể sống mà chỉ có tiền, nhưng chúng ta không thể chỉ ôm một bọc tiền, nhảy vào một đống tiền và hô rằng “Tôi hạnh phúc”. Ở một góc khác, thử hỏi xem vào khoảnh khắc bạn nhảy vào một đống tiền đó, bạn có hạnh phúc không? Qua khảo sát, ta có thể thấy gần như tất cả mọi người đều phải công nhận rằng họ có hạnh phúc. Từ đó, hiển nhiên luôn có sự tồn tại từ góc nhìn thứ ba, rằng hạnh phúc và tiền bạc, đều quan trọng, nhưng ta lại phải nhìn lại và công nhận rằng, tiền luôn nhỉn hơn một bậc. Tiền bạc chính là cơ sở cho hạnh phúc. Phải có tiền, người ta mới thấy ấm no, có cơm ăn áo mặc, được học hành, làm việc đủ đầy, từ đó mới thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Khi đó, hạnh phúc cũng là tiền đề tạo thêm tiền bạc. Khi ta có hạnh phúc, ta mới có thêm động lực và tinh thần để nâng cao chất lượng công việc, tăng năng suất và tạo ra thêm tiền bạc và cảm thấy hạnh phúc hơn.

 Thế tại sao tiền bạc lại luôn nhỉn hơn hạnh phúc. Có lẽ là bắt nguồn từ cuộc sống và xã hội. Tiền là điều kiện cần thiết cho gần như mọi hoạt động sống của con người. Hàng ngày, chúng ta cần tiền để ăn uống và duy trì sự sống, cũng như đáp ứng các như cầu may mặc, ngủ nghỉ, đi lại,…. Hãy thử tưởng tượng xem nếu một ngày kia, chúng ta không còn tiền nữa, thì hiển nhiên chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ giảm sút rõ rệt, và kéo theo các hệ lụy không mong muốn như các vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến tinh thần cũng như sức làm sức học. Khi đó, ta có cảm thấy hạnh phúc không? Bên cạnh việc cần tiền để duy trì sự sống, chẳng phải chúng ta cũng dùng nó cho việc thư giãn và giải trí hay sao? Phải có tiền, con người ta mới có thể thả lỏng chính mình, quên đi mọi sự mệt mỏi để có thể tự thưởng cho thân như tự tin bước vào rạp chiếu phim, có một bữa tối lãng mạn dưới nến với người yêu hay đơn giản hơn là thư giản tại nhà, ngắm mưa và cảm nhận hạnh phúc ấm áp.

Tôi không nói rằng có tiền, chúng ta sẽ chắc chắn có hạnh phúc, nhưng không có tiền thì chúng ta cũng có thể thấy được là hạnh phúc cũng thật mong manh. Không cần đề cập đến một cá nhân khi thiếu tiền, bởi mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau. Người ta có thể nói rằng một gia đình nghèo khó vẫn có thể ấm cúng và hạnh phúc, nhưng nếu là một xã hội đầy những người nghèo đói thì liệu xã hội có hạnh phúc hay không? Một xã hội thiếu điều kiện kinh tế hiển nhiên sẽ xuất hiện rất nhiều vấn đề như các tệ nạn xã hội, xuất hiện các hành vi thiếu nhân đạo chỉ vì đồng tiền, giống như ông bà ta đã nói “bần cùng sinh đạo tặc” vậy. Và khi một đất nước “bần cùng”, không thể xử lí các vấn đề về nhà ở, việc làm, thỏa mãn nhân dân thì việc chiến tranh hay phản động, nổi loạn là điều chẳng sớm thì muộn, nhân dân đói khổ lầm than, và đó cũng chính là bất hạnh. Nên quan điểm “một túp lều tranh hai trái tim vàng” thật sự đã không còn phổ biến.

Bên cạnh đó, đồng tiền còn là thước đo tri thức, tình cảm, trình độ cũng như vị trí của một con người trong xã hội. Ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự phân biệt đối xử giữa một người có tiền và người không tiền. Có tiền trong tay, người khác ít nhiều cũng phải nể nang bạn, nhưng thử nhìn những người ăn xin hay bán vé số trên đường xem, dù họ cũng bình thường như bao người khác, thế nhưng tại sao lại bị khinh ghét, bị kẻ khác mang ra làm trò cười? Mà bản thân những người có tiền cũng sẽ coi khinh những kẻ không tiền, ngược lại, những kẻ không tiền lại phải khúm núm sợ sệt, nịnh nọt người có tiền. Tiền cũng là một phương thức đánh giá trình độ con người. Trong công việc, người có bằng cấp cao và trình độ học vấn tốt vẫn thường có vị trí cao hơn cũng như mức lương. Theo đó, một người có nhiều tiền, như là tỉ phú hay triệu phú chẳng hạn, thường có vị trí cao trong xã hội, cánh nhà báo quan tâm, dù họ chẳng có gì đặc biệt hơn đồng tiền để được nổi tiếng cả.

Nhưng, cho dù có nói tiền bạc nhỉn hơn hạnh phúc thì cũng không thể nói rằng tôi không cần hạnh phúc để sống, hạnh phúc cơ bản vẫn có một tầm quan trọng mà tiền bạc không thể lấn áp được. Quay lại ví dụ tôi đã đề cập phía trên, có thể vào cái khoảnh khắc ta ôm tiền và nhảy vào đó ta hạnh phúc đấy, nhưng hạnh phúc đó không hề dài lâu. Tiền bạc là điều kiện giúp con người ta có được hạnh phúc, nhưng lại không cho phép hạnh phúc đó cứ như thế tồn tại mãi mãi. Có nhiều người chỉ biết mù quáng chạy theo đồng tiền, họ cho rằng hạnh phúc của họ là kiếm được thật nhiều tiền, nhưng không biết rằng trong cuộc đua đầy gian nan đó, họ đã để lại sau lưng mình biết bao điều nhỏ nhặt không tên, để rồi cuối cùng nhận ra cái mà mình ảo tưởng là hạnh phúc chỉ đơn giản là cái mình muốn chứ không phải điều mình cần. Tiền đến cuối cùng cũng chỉ là cơ sở để có được hạnh phúc, để tạo ra các giá trị tinh thần, giúp con người ta vui chơi, giải trí, có thời gian cho những gì mình muốn, và là điều kiện để hạnh phúc tiếp tục thăng hoa. Nếu ta biết trân trọng và yêu thương những gì mình đang có, chấp nhận những gì mình không thể có cũng như nhận thức rõ ràng về đồng tiền, thì lúc đó, hạnh phúc sẽ đến với ta dễ dàng hơn.

Đồng tiền xét cho cùng là một khía cạnh tồn tại để con người ta an tâm hơn, và nó cũng là một cách để con người ta thể hiện tình cảm của mình, nhưng lại phản tác dụng nếu ta làm không đúng cách. Trong một số gia đình, cha mẹ luôn tất bật kiếm tiền để cung cấp cho con cái một cuộc sống no đủ, bằng bạn bằng bè, không thiếu thốn hay thua kém ai. Song họ lại quá chú tâm vào đồng tiền để rồi thiếu sự quan tâm về tinh thần, và những đứa trẻ không được quan tâm đúng cách đó lại trở thành những vấn đề làm đau đầu xã hội. Vì đồng tiền, con người đối xử với nhau đôi khi chỉ là sự lợi dụng. Các trang báo vẫn thường đăng tin người yêu giết nhau vì tiền, hay các cặp vợ chồng lấy nhau vì của cải gia sản đối phương. Ngoài ra, tiền cũng là nguyên nhân bóp méo nhân cách con người, tạo ra các thói hư tật xấu như thói xa xỉ, lười biếng, trì trệ, kiêu căng ngạo mạn,… khiến người gặp người ghét, bạn bè xa lánh. Có những con người chỉ biết hưởng thụ đồng tiền người khác để lại cho mình mà không biết tự thân vận động để có được nó, thì đến một ngày, khi không còn ai bên cạnh giúp đỡ họ nữa, họ sẽ nhanh chóng đào thải khỏi xã hội khắc nghiệt này.

Không ai có thể nói mình chỉ cần tiền hay chỉ cần hạnh phúc được. Nếu ta đưa ra giả thiết về một bộ lạc trong rừng rậm và họ sống mà không cần tiền mà vẫn hạnh phúc thì đó lại là một góc khác của xã hội. Và một con người bình thường thì không thể giết cha giết mẹ để cướp tài sản, hay bỏ tất cả các giá trị đạo đức ta đã có vì đồng tiền. Chỉ có những người không còn nhân tính mới làm được điều đó, và hiển nhiên không ai mong muốn mình trở nên như vậy. Sau tất cả, khi đã có được tiền trong tay, cái mà ta có không phải hạnh phúc mà ta muốn mà chỉ có sự tội lỗi và hối hận mà thôi.

Để có thể có một cuộc sống hạnh phúc, đồng tiền là nguyên liệu rất quan trọng. Vì thế, chúng ta cần phải biết cách sử dụng đồng tiền một cách hợp lí, vận dụng nó để phục vụ cho nhu cầu đời sống của chúng ta, làm phương tiện để ta có thể với tới hạnh phúc của mình, chứ không nên để nó trở thành vật chi phối hạnh phúc của bản thân. Giáo dục con em các biện pháp sử dụng tiền hợp lí cũng rất quan trọng, cũng như quan tâm tới đời sống tinh thần để tránh việc các em sa vào các con đường xấu do tiền bạc gây ra.


Tiền bạc và hạnh phúc vốn là hai khái niệm khác nhau, tưởng chừng như chẳng liên quan nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau.  Tin bc giúp chúng ta tho mãn nhu cu v vt cht, mt phn nào đó giúp chúng ta đáp ng v tinh thn. Còn hnh phúc là s tho mãn v nhu cu y.Để có được hạnh phúc, con người ta cần tiền bạc và khi đã hạnh phúc, người ta sẽ lại có tinh thần để kiếm nhiều tiền hơn để duy trì hạnh phúc đó. Dù tiền bạc xét cho cùng có nhỉn hơn hạnh phúc, nhưng cuối cùng cả hai đều rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người.

Messie Huỳnh