27 thg 8, 2014

Quan niệm về tiền và hạnh phúc

Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao trong chúng ta lại có những con người mù quáng chạy theo đồng tiền, hay luôn luôn khao khát hạnh phúc? Nhiều người cho rằng tiền bạc và hạnh phúc là hai khái niệm riêng biệt, song chúng ta phải thấy rằng hai khái niệm ấy vô hình chung lại có mối quan hệ chặt chẽ và gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc sống, tồn tại song song và không thể tách rời.

Thế, hạnh phúc là gì? Đó là cảm giác lâng lâng vui sướng, thỏa mãn khi ta đạt được một điều mà ta mong muốn. Ví như khi một người học sinh sẽ thấy hạnh phúc khi đạt điểm cao, hay thành tích vượt hơn mong đợi, và cha mẹ họ cũng vui theo. Hay theo quan niệm một số người, hạnh phúc là khi ta cảm thấy được bình yên. Còn tiền bạc là một dạng vật chất với mục đích đơn giản hóa giá trị đồ vật, được sử dụng để chi tiêu, mua bán. Từ đó, ta có thể thấy rằng một người càng sở hữu nhiều tiền thì đồng nghĩa với việc họ sở hữu nhiều vật có giá trị.

Mỗi người có một quan điểm khác nhau về tiền bạc và hạnh phúc. Một số người cho rằng hạnh phúc thì quan trọng hơn tiền bạc, có tiền chưa chắc mua được hạnh phúc, và ngược lại, số khác lại cho rằng tiền là tất cả, “có tiền mua tiên cũng được”. Những người đi theo quan điểm hạnh phúc cho rằng, con người chúng ta tuy không thể sống mà chỉ có tiền, nhưng chúng ta không thể chỉ ôm một bọc tiền, nhảy vào một đống tiền và hô rằng “Tôi hạnh phúc”. Ở một góc khác, thử hỏi xem vào khoảnh khắc bạn nhảy vào một đống tiền đó, bạn có hạnh phúc không? Qua khảo sát, ta có thể thấy gần như tất cả mọi người đều phải công nhận rằng họ có hạnh phúc. Từ đó, hiển nhiên luôn có sự tồn tại từ góc nhìn thứ ba, rằng hạnh phúc và tiền bạc, đều quan trọng, nhưng ta lại phải nhìn lại và công nhận rằng, tiền luôn nhỉn hơn một bậc. Tiền bạc chính là cơ sở cho hạnh phúc. Phải có tiền, người ta mới thấy ấm no, có cơm ăn áo mặc, được học hành, làm việc đủ đầy, từ đó mới thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Khi đó, hạnh phúc cũng là tiền đề tạo thêm tiền bạc. Khi ta có hạnh phúc, ta mới có thêm động lực và tinh thần để nâng cao chất lượng công việc, tăng năng suất và tạo ra thêm tiền bạc và cảm thấy hạnh phúc hơn.

 Thế tại sao tiền bạc lại luôn nhỉn hơn hạnh phúc. Có lẽ là bắt nguồn từ cuộc sống và xã hội. Tiền là điều kiện cần thiết cho gần như mọi hoạt động sống của con người. Hàng ngày, chúng ta cần tiền để ăn uống và duy trì sự sống, cũng như đáp ứng các như cầu may mặc, ngủ nghỉ, đi lại,…. Hãy thử tưởng tượng xem nếu một ngày kia, chúng ta không còn tiền nữa, thì hiển nhiên chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ giảm sút rõ rệt, và kéo theo các hệ lụy không mong muốn như các vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến tinh thần cũng như sức làm sức học. Khi đó, ta có cảm thấy hạnh phúc không? Bên cạnh việc cần tiền để duy trì sự sống, chẳng phải chúng ta cũng dùng nó cho việc thư giãn và giải trí hay sao? Phải có tiền, con người ta mới có thể thả lỏng chính mình, quên đi mọi sự mệt mỏi để có thể tự thưởng cho thân như tự tin bước vào rạp chiếu phim, có một bữa tối lãng mạn dưới nến với người yêu hay đơn giản hơn là thư giản tại nhà, ngắm mưa và cảm nhận hạnh phúc ấm áp.

Tôi không nói rằng có tiền, chúng ta sẽ chắc chắn có hạnh phúc, nhưng không có tiền thì chúng ta cũng có thể thấy được là hạnh phúc cũng thật mong manh. Không cần đề cập đến một cá nhân khi thiếu tiền, bởi mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau. Người ta có thể nói rằng một gia đình nghèo khó vẫn có thể ấm cúng và hạnh phúc, nhưng nếu là một xã hội đầy những người nghèo đói thì liệu xã hội có hạnh phúc hay không? Một xã hội thiếu điều kiện kinh tế hiển nhiên sẽ xuất hiện rất nhiều vấn đề như các tệ nạn xã hội, xuất hiện các hành vi thiếu nhân đạo chỉ vì đồng tiền, giống như ông bà ta đã nói “bần cùng sinh đạo tặc” vậy. Và khi một đất nước “bần cùng”, không thể xử lí các vấn đề về nhà ở, việc làm, thỏa mãn nhân dân thì việc chiến tranh hay phản động, nổi loạn là điều chẳng sớm thì muộn, nhân dân đói khổ lầm than, và đó cũng chính là bất hạnh. Nên quan điểm “một túp lều tranh hai trái tim vàng” thật sự đã không còn phổ biến.

Bên cạnh đó, đồng tiền còn là thước đo tri thức, tình cảm, trình độ cũng như vị trí của một con người trong xã hội. Ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự phân biệt đối xử giữa một người có tiền và người không tiền. Có tiền trong tay, người khác ít nhiều cũng phải nể nang bạn, nhưng thử nhìn những người ăn xin hay bán vé số trên đường xem, dù họ cũng bình thường như bao người khác, thế nhưng tại sao lại bị khinh ghét, bị kẻ khác mang ra làm trò cười? Mà bản thân những người có tiền cũng sẽ coi khinh những kẻ không tiền, ngược lại, những kẻ không tiền lại phải khúm núm sợ sệt, nịnh nọt người có tiền. Tiền cũng là một phương thức đánh giá trình độ con người. Trong công việc, người có bằng cấp cao và trình độ học vấn tốt vẫn thường có vị trí cao hơn cũng như mức lương. Theo đó, một người có nhiều tiền, như là tỉ phú hay triệu phú chẳng hạn, thường có vị trí cao trong xã hội, cánh nhà báo quan tâm, dù họ chẳng có gì đặc biệt hơn đồng tiền để được nổi tiếng cả.

Nhưng, cho dù có nói tiền bạc nhỉn hơn hạnh phúc thì cũng không thể nói rằng tôi không cần hạnh phúc để sống, hạnh phúc cơ bản vẫn có một tầm quan trọng mà tiền bạc không thể lấn áp được. Quay lại ví dụ tôi đã đề cập phía trên, có thể vào cái khoảnh khắc ta ôm tiền và nhảy vào đó ta hạnh phúc đấy, nhưng hạnh phúc đó không hề dài lâu. Tiền bạc là điều kiện giúp con người ta có được hạnh phúc, nhưng lại không cho phép hạnh phúc đó cứ như thế tồn tại mãi mãi. Có nhiều người chỉ biết mù quáng chạy theo đồng tiền, họ cho rằng hạnh phúc của họ là kiếm được thật nhiều tiền, nhưng không biết rằng trong cuộc đua đầy gian nan đó, họ đã để lại sau lưng mình biết bao điều nhỏ nhặt không tên, để rồi cuối cùng nhận ra cái mà mình ảo tưởng là hạnh phúc chỉ đơn giản là cái mình muốn chứ không phải điều mình cần. Tiền đến cuối cùng cũng chỉ là cơ sở để có được hạnh phúc, để tạo ra các giá trị tinh thần, giúp con người ta vui chơi, giải trí, có thời gian cho những gì mình muốn, và là điều kiện để hạnh phúc tiếp tục thăng hoa. Nếu ta biết trân trọng và yêu thương những gì mình đang có, chấp nhận những gì mình không thể có cũng như nhận thức rõ ràng về đồng tiền, thì lúc đó, hạnh phúc sẽ đến với ta dễ dàng hơn.

Đồng tiền xét cho cùng là một khía cạnh tồn tại để con người ta an tâm hơn, và nó cũng là một cách để con người ta thể hiện tình cảm của mình, nhưng lại phản tác dụng nếu ta làm không đúng cách. Trong một số gia đình, cha mẹ luôn tất bật kiếm tiền để cung cấp cho con cái một cuộc sống no đủ, bằng bạn bằng bè, không thiếu thốn hay thua kém ai. Song họ lại quá chú tâm vào đồng tiền để rồi thiếu sự quan tâm về tinh thần, và những đứa trẻ không được quan tâm đúng cách đó lại trở thành những vấn đề làm đau đầu xã hội. Vì đồng tiền, con người đối xử với nhau đôi khi chỉ là sự lợi dụng. Các trang báo vẫn thường đăng tin người yêu giết nhau vì tiền, hay các cặp vợ chồng lấy nhau vì của cải gia sản đối phương. Ngoài ra, tiền cũng là nguyên nhân bóp méo nhân cách con người, tạo ra các thói hư tật xấu như thói xa xỉ, lười biếng, trì trệ, kiêu căng ngạo mạn,… khiến người gặp người ghét, bạn bè xa lánh. Có những con người chỉ biết hưởng thụ đồng tiền người khác để lại cho mình mà không biết tự thân vận động để có được nó, thì đến một ngày, khi không còn ai bên cạnh giúp đỡ họ nữa, họ sẽ nhanh chóng đào thải khỏi xã hội khắc nghiệt này.

Không ai có thể nói mình chỉ cần tiền hay chỉ cần hạnh phúc được. Nếu ta đưa ra giả thiết về một bộ lạc trong rừng rậm và họ sống mà không cần tiền mà vẫn hạnh phúc thì đó lại là một góc khác của xã hội. Và một con người bình thường thì không thể giết cha giết mẹ để cướp tài sản, hay bỏ tất cả các giá trị đạo đức ta đã có vì đồng tiền. Chỉ có những người không còn nhân tính mới làm được điều đó, và hiển nhiên không ai mong muốn mình trở nên như vậy. Sau tất cả, khi đã có được tiền trong tay, cái mà ta có không phải hạnh phúc mà ta muốn mà chỉ có sự tội lỗi và hối hận mà thôi.

Để có thể có một cuộc sống hạnh phúc, đồng tiền là nguyên liệu rất quan trọng. Vì thế, chúng ta cần phải biết cách sử dụng đồng tiền một cách hợp lí, vận dụng nó để phục vụ cho nhu cầu đời sống của chúng ta, làm phương tiện để ta có thể với tới hạnh phúc của mình, chứ không nên để nó trở thành vật chi phối hạnh phúc của bản thân. Giáo dục con em các biện pháp sử dụng tiền hợp lí cũng rất quan trọng, cũng như quan tâm tới đời sống tinh thần để tránh việc các em sa vào các con đường xấu do tiền bạc gây ra.


Tiền bạc và hạnh phúc vốn là hai khái niệm khác nhau, tưởng chừng như chẳng liên quan nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau.  Tin bc giúp chúng ta tho mãn nhu cu v vt cht, mt phn nào đó giúp chúng ta đáp ng v tinh thn. Còn hnh phúc là s tho mãn v nhu cu y.Để có được hạnh phúc, con người ta cần tiền bạc và khi đã hạnh phúc, người ta sẽ lại có tinh thần để kiếm nhiều tiền hơn để duy trì hạnh phúc đó. Dù tiền bạc xét cho cùng có nhỉn hơn hạnh phúc, nhưng cuối cùng cả hai đều rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người.

Messie Huỳnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét