9 thg 3, 2014

Mùa của gió

     MÙA CỦA GIÓ



 Sài Gòn như cô nàng đỏm dáng, tính tình nắng mưa thất thường, lại hay mít ướt. Bầu trời vào một khoảnh khắc nắng như đổ lửa, thế nhưng độ chừng vài giây sau thì cơn mưa lại đổ xuống ồ ạt, không ngừng. Giờ là mùa của gió, mùa của những cánh diều bay rợp một khoảng Sài Gòn.

   Sài Gòn tuy sầm uất và tấp nập nhưng vào mùa gió này, ta vẫn dễ dàng nhìn thấy những cánh diều. Nhờ các buổi học thêm những chiều cuối tuần, tôi phát hiện ra được những không gian đẹp tuyệt, dù cho cái đẹp ấy thật mộc mạc, giản đơn. Ghé qua một cửa hàng take away để tự thưởng cho mình một ly Latte đầy đá, vốn chỉ dành riêng cho những khoảnh khắc vui vẻ nhất, tôi thong thả đạp xe về nhà. Tuy thành phố có nhiều con đường lớn nhỏ nhưng tôi vẫn thích cảm giác đạp xe trên đường Võ Văn Kiệt vừa được xây dựng. Hãy thử đến đây những chiều rãnh rỗi, bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi những cánh diều. Không phải một hay hai mà là rất nhiều đàn diều bay rợp trời. Dọc theo con đường này đoạn từ hầm Thủ Thiêm đến gần hết con đường đoạn giao nhau với Quốc lộ 1A là cả một thiên đường diều, nhiều đến mức bạn phải kinh ngạc, tự hỏi rằng trong thành phố không biết còn chỗ nào nhiều diều hơn. Vì thành phố “đất chật người đông” nên người dân nơi đây rất yêu cái thú vui bình dị là thả diều. Nhìn những cánh diều đủ màu sắc, tôi có cảm giác lòng mình nhẹ hẫng, mọi mệt mỏi của một tuần học tập thi cử chạy theo thời gian như tan biến theo những cánh diều, theo nụ cười trên khuôn mặt không chỉ trẻ con mà cả người lớn. Để khiến một thân diều bay cao và xa không phải dễ, nên khi thả được diều, ai cũng phải cười, dù ít dù nhiều.

    Khu vực nhà tôi đồng ruộng bao la là thế, vậy mà chẳng thấy bóng diều nào cả. Cái vui ngày bé biến đâu mất rồi, thế chỗ cho các thú tiêu khiển nghe có vẻ hiện đại hơn, đắt tiền hơn. Lũ choai choai chỗ tôi bây giờ chỉ so nhau qua mấy thứ vô tri tích đầy năng lượng ấy, quên mất những thứ đã từng tồn tại một thời, bỏ lại sau lưng cái thú vui long nhong khắp ruộng, cắt dây diều nhau cách đây đâu chỉ vài năm. Chẳng ai nhớ đến những cánh diều nhiều màu kia nữa, có nhớ thì cũng bảo lịch thời gian chẳng còn, cứ mãi chạy theo những thứ “hiện đại không chỉ hại điện”. Còn nơi đây, có chăng họ đã quá nhàm chán với cái hiện đại kia, nhà cao cửa rộng cứ phải ru rú trong nhà nên mới trở về với đất trời qua những cánh diều.

    Đôi khi tôi cũng hòa vào đám đông ấy, mang chiếc diều bé bé của mình, tôi khiến nó cao vút. Ngồi xuống đám cỏ, tôi tìm vật gì đó chặn dây diều và nhìn nó bay. Tôi thích ngước nhìn bầu trời cao vun vút với những gam màu không tên, được điểm bằng những cánh diều đủ sắc, như nhà họa sĩ vô danh nào đó điểm thêm những họa tiết cho cái phông nền đơn điệu kia bớt cô độc. Từ đây, tôi có thể quan sát mọi thứ, những đứa trẻ lăng quăng đòi bố thả cho con diều, vài cặp đôi tựa đầu vào nhau tình tứ, cùng thả cánh diều màu, cũng có đứa thử nghiệm mấy con diều tự chế, dù rằng đa phần chúng chẳng thể nào bay nổi. Ngay bờ sông có cả cặp vợ chồng già bên nhau hạnh phúc ngắm nhìn con cháu vui đùa. Đâu đó xuất hiện vài tiếng la oai oái của những ai bất cẩn tuột tay, để chiếc diều bay mất. Có thể sẽ tiếc nuối đấy nhưng không vì thế mà họ tuyệt vọng, mà buồn rầu lâu, bởi chiếc diều ấy sẽ mang theo nỗi buồn của họ, ước mơ của họ bay thật xa.
   





Tôi bỗng nghĩ đến những thứ linh tinh, kể cả cái chết khi nhìn mấy con diều kết thúc đời mình trên mấy cọng dây điện vắt ngang đường. Diều có thể bay xa thật, nhưng đâu phải con nào cũng được như thế. Có nhiều con người tự sát, hi sinh cuộc sống chỉ vì những thứ chẳng ra gì. Liệu cuộc đời tôi có như vậy chăng, kết thúc lãng xẹt vì một lí do nhảm nhí, hay sẽ hi sinh, chết vì người khác. Có ai đó đã bảo với tôi rằng “Thay vì hi sinh để chết cao đẹp, chi bằng hãy sống dù có vấy chút bùn”. Hi sinh, không, không ai đáng phải hi sinh sinh mạng mình để chết, hãy chỉ chết để bảo vệ đến cùng thứ ta yêu quí, chứ đừng hi sinh vì nghĩ rằng cái chết của mình sẽ mang lại hạnh phúc cho bất kì điều gì. Cuộc sống mà, như những cánh diều kia, cứ sống hết mình, bay hết mình và đừng lo bị vấy bẩn, bởi vết bùn lầy bám lấy ta mỗi khi ngược gió đáp đất chẳng làm xấu đi tí nào cái linh hồn này cả, chỉ cần nó vẫn còn thẳng đứng. Bất kì ai cũng có thể mắc sai lầm, lớn và nhỏ, đừng nghĩ về việc hi sinh để chuộc lỗi, trả nợ ân nghĩa, cũng như những cánh diều rồi sẽ vấy bùn nhơ, vấy bẩn đến cuối đời, vết ố không bao giờ rửa sạch được. Nhưng có sao đâu, chỉ cần sống và sửa đổi thì dù vết bẩn có ố màu, thì nhìn ở một khía cạnh nào đó, đó chính là hoa văn đặc biệt của linh hồn, của cuộc sống. Nhìn đôi vợ chồng già kia xem, đâu phải cuộc đời họ phẳng lì, sạch sẽ. Nhưng với nụ cười hạnh phúc trên gương mặt hằn vết thời gian ấy, ta có thể cảm nhận được cái chết của họ vẫn còn xa, thần chết hãy còn kiêng dè lắm. Dù cho lưng có còng, người có già có yếu, linh hồn cứ thẳng từ đầu xuống chân là được, như những cánh diều kia, chỉ cần còn khung xương thì dù có rách tả tơi vẫn có thể bay mãi. Sống cao thượng như thế còn tốt hơn, khó hơn vạn lần sự hi sinh cao thượng.

    Bị tiếng chuông điện thoại đập tan mấy cái suy nghĩ vẩn vơ, tôi quay lại cái nếp sống hằng ngày, với những buổi học sôi động cùng nhiều giáo viên các nước. Leo lên cái con ngựa quèn của mình, vứt ly Latte đã tan hết đá, nhạt thết tự bao giờ, tôi nhấn pedan, trở về thực tại. Tôi muốn mình sẽ như những cánh diều trên kia, căng dây bay hết mình. Ừ thì sống mà, cứ hết mình thôi.

    Khi viết bài này, tất cả cảm xúc đều là chân thực. Bởi đơn giản tôi vừa trở về nhà từ con đường rợp bóng diều ấy. Và cảm giác thật sự không biết diễn tả thế nào cho chính xác nhất. Chỉ biết là một cái gì đó vừa hình thành trong tôi, khiến tôi thấy thật bình an. Thay vì cắm đầu vào sách vở, máy tính hay đi đến các trung tâm sầm uất, hãy thử ghé qua đây để chiêm ngưỡng điều kỳ diệu này. Giờ là mùa của gió, mùa của những cánh diều chứa chan ước mơ và hi vọng kia mà, đâu việc gì phải bỏ lỡ. Và lúc đó, bạn sẽ hiểu cảm giác của tôi, cái cảm giác có gì đó dù rất nhỏ đổi thay trong chúng ta, hay đơn giản hơn, là cảm giác bình yên đến lạ. 
Messie Huỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét