27 thg 11, 2013

CHỮ “TÌNH” TRONG CA DAO

TIỂU LUẬN CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC DÂN GIAN
CHỮ “TÌNH” TRONG CA DAO

I.                 Khái quát về văn học dân gian và ca dao
1.    Văn học dân gian
1.1  Định nghĩa
     Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật do các tầng lớp nhân dân sáng tác. Hầu hết các tác phẩm văn học dân gian đều được lưu giữ bằng phương thức truyền miệng, tôi kể anh nghe, bà kể cháu nghe, truyền từ người này sang người khác và từ thế hệ này cho các thế hệ tiếp nối, phát triển qua các thời kỳ lịch sử tới ngày nay. Đây là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể nhằm mục đích phục vụ cho sinh hoạt trong đời sống nhân dân.

                             1.2 Thể loại và đặc trưng
     Các thể loại chủ yếu: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.
     Văn học dân gian có các đặc trưng tiêu biểu: tính truyền miệng, tính tập thể và sự gắn bó với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.
2.    Ca dao
2.1  Định nghĩa
     Ca dao là một thể loại của văn học dân gian. Đó là hình thức trữ tình diễn tả lại đời sống nội tâm của con người thời đại. “Ca” trong “ca dao” là chỉ về các câu hát, sự vần điệu, dễ nhớ. Còn từ “dao” chỉ sự ngắn gọn, bén nhọn như lưỡi dao. “Ca dao” có thể hiểu là những câu thơ ngắn có thể hát thành các làn điệu dân ca hoặc còn có thể hiểu rằng ca dao là những lời dân ca đã bị lược bỏ luyến láy khi hát.
2.2  Nội dung
     Ca dao là hình thức con người thể hiện tâm tư tình cảm, cái tôi cũng như nói lên khát khao của bản thân. Nội dung ca dao phản ánh sâu sắc khát vọng của con người: khát vọng ăn no mặc ấm, sống sung sướng hạnh phúc và no đủ cũng như  khát vọng chinh phục tự nhiên hùng vĩ. Bên cạnh đó, ca dao còn là hình thức phản ánh lịch sử, phong tục tập quán sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người. Nhưng trên tất cả, ca dao là sự bộc lộ của tinh thần dân tộc trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng.
2.3  Nghệ thuật
“Ca dao cũng là thơ. Một loại thơ rất riêng” Lời Xuân Diệu quả chính xác. Điều đó có thể nói lên rằng ca dao chính là một loại trữ tình dân gian, có đặc trưng về tự sự và kịch. Tuy nhiên, bản chất của ca dao không phải là thơ. Thơ là hình thức sáng tác để đọc, còn ca dao được tạo ra dành cho việc hát. Nó gắn liền với môi trường ca hát, nghệ thuật diễn xướng và các yếu tố âm nhạc.
II.            Các chữ “tình” trong ca dao
1.    Tình yêu quê hương đất nước

     Đối với người dân Việt Nam, ca dao có lẽ đã trở nên rất đỗi quen thuộc, thân thương. Tuy đã trải qua biết bao nỗi thăng trầm lịch sử, sự ảnh hưởng từ các nền văn hóa nước ngoài, ca dao vẫn còn đó với một sức sống mạnh mẽ đến diệu kỳ. Bản thân ca dao được người dân ta thể hiện dưới nhiều sắc thái ý nghĩa và cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng có lẽ đề tài được tìm thấy nhiều nhất trong ca dao chính là tình yêu, mà nhiều hơn cả chính là yêu quê hương, đất nước.
     Nếu đề cập đến ca dao có nội dung về tình yêu quê hương, đất nước, ta có thể nói dường như là vô tận. Điều đó thể hiện rõ nét nhất về tình yêu của con người đất Việt đối với mảnh đất chữ S, chôn nhau cắt rốn của biết bao thế hệ cha ông từ những ngày xưa. Quê hương mộc mạc với lũy tre làng, đồng ruộng xanh biếc, là cánh cò trắng phau hay những mảnh diều nhỏ bé. Và càng đáng ngưỡng mộ hơn khi những câu ca dao đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, minh chứng cho thấy tình yêu thiêng liêng và cao cả ấy đã và đang được tiếp tục truyền đến cho thế hệ con cháu tiếp nối.
    Quê hương, một từ thật binh dị nhưng sao lại khiến người ta cảm thấy thiêng liêng đến lạ lùng. Nó là nơi con người ta cất tiếng khóc đầu tiên, là nơi dưỡng dục ta những năm tháng đầu đời, nuôi dưỡng không chỉ thể chất mà còn cả tâm hồn ta. Vì thế, dù ta có đi xa đến đâu, trái tim vẫn sẽ luôn nhớ về quê hương, khắc ghi trong lòng nỗi nhớ dù cho là nhớ những điều bình dị nhất.
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dải nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.”
     Thời gian hay không gian cũng không bao giờ có thể chia cắt tình con người cùng tình yêu quê hương. Người ta nhớ về quê hương không phải nhớ về những thứ to lớn, lộng lẫy mà là nhớ về những thứ đơn giản nhất, là “canh rau muống”, là “cà dầm tương”. Đó không chỉ là hương vị đậm đà của món ăn dân dã, mà còn là hương vị của quê hương. Người ta còn nhớ về người “dải nắng dầm sương”, “tát nước bên đường”, làng xóm láng giềng hay gia đình thân thương.
     Có thể nói, đất nước và quê hương chính là một, bởi đất nước chính là cơ đồ sự nghiệp mà ông cha ta để lại, được xây dựng, bảo bệ bằng biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu. Vì thế, đất nước được nhân dân nói đến trong ca dao bằng một niềm yêu thương cũng như sự tự hào vô bờ bến.

     Đất nước ta nơi nào cũng đẹp, và càng đẹp hơn trong mắt những người con đất Việt chúng ta. Mỗi nơi có nét đẹp riêng, và con người mỗi vùng miền lại có sự hãnh diện về quê hương của riêng họ. Lên miền Bắc, ta có thể đến thăm Thành Lạng, soi mình suốt sông Tam Cờ , hay ghé qua chùa Tam Thanh để nhớ đến nàng Tô Thị trong các câu chuyện kể.
“Ai ơi đúng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ”
“ Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”
     Đi qua ải Trung, những người con mảnh đất này không thể không nhớ về quê hương. Ghé Quảng Nam, ta có thể thấy cái đẹp cũng như cái tình lắng lại qua bài ca dao:
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa thấm đã say
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta”
Hay
“ Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa thấm đã say
Đối với ai ơn trọng nghĩa dày
Một hột cơm cũng nhớ,
Một gáo nước đầy vẫn chưa quên”
     Ở lại miền Nam:
“Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”
    Dù có đi đâu, về đâu hay rời bỏ cuộc đời, thì cuối cùng con người ta cũng sẽ nhớ về mảnh đất quê hương thân thuộc. Đoan chắc rằng thứ tình cảm thiêng liêng này mãi mãi tồn tại trong tim mỗi người.
2.    Tình yêu thiên nhiên
     Đã yêu quê hương đất nước, thì hiển nhiên con người ta sẽ yêu cả những cảnh đẹp quê hương. Đó là điều hiển nhiên, bởi “yêu nhau yêu cả đường đi”, khi yêu quê hương, người ta đương nhiên sẽ tự hào về tất cả những gì quê hương mình có. Vì thế, cảnh sắc thiên nhiên đã trở thành một đề tài lớn trong kho tàng ca dao Việt Nam.
     Bằng ca dao, chúng ta có thể chiêm ngưỡng cái đẹp của cả những địa danh trên đất nước mặc dù ta chưa từng đặt chân đến. Nó khiến con người ta tò mò, muốn thử đến một lần để cảm nhận trọn vẹn cái đẹp mà trong ca dao đã miêu tả. Thiên nhiên trong ca dao bao giờ cũng được miêu tả một cách tinh tế, tràn đầy sức sống gắn với mắt thẩm mỹ của con người. Thậm chí qua ca dao, ta còn có thể cảm nhận được sự gắn bó mật thiết giữa con người và thiên nhiên.
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
    Cảnh vật trong bài ca dao trên được miêu tả hết sức sống động. Với sự phối hợp hài hòa không thiếu phần khéo léo đan xen giữa hai không gian tĩnh và động: “cành trúc la đà”, “tiếng chuông”, “khói tỏa”, “nhịp chày” và “mặt gương”, tất cả như hòa quyện vào nhau tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, không khỏi khiến người ta phải lắng lòng chiêm ngưỡng. “Khói tỏa ngàn sương” ở đó như xua đi cái xô bồ hối hả của cuộc sống, để lại trong ta cảm giác bình yên đến lạ.
   Từ Bắc lại xuống miền Trung, nơi:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
     Cuối cùng thì về miền Nam, chiêm ngưỡng sự thanh bình của đồng ruộng bao la bạt ngàng cùng những cánh cò trắng.
“Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh,
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm.”
Hay
“Trúc mọc bờ ao kêu là trúc thủy
 Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa”



    Ca dao về nét đẹp thiên nhiên, như đã nói ở trên, là cách con người thể hiện tình yêu của mình với quê hương đất nước, mà đơn giản nhất chính là thông qua cảnh sắc “non xanh nước biếc”. Không chỉ vậy, con người ta qua đó cũng nói lên được sự khâm phục và ngưỡng mộ của mình với mỹ cảnh quê hương. Và ca dao đã đóng thành công vai trò làm bức thông điệp tình yêu để con người nói lên tình cảm của bản thân. 
3.    Tình cảm giữa người với người
    Để có thể yêu quê hương, yêu đất nước, bản thân mỗi con người phải biết tương trợ, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau. Đó có thể là tình yêu bạn bè, xóm làng với những con người tốt bụng mà bình dị, hay tình yêu gia đình ấm áp mà mỗi con người, mỗi tuổi thơ đều không thể thiếu. Lớn lên, con người ta lại đến với tình yêu đôi lứa nóng bỏng, hạnh phúc nhiều nhưng đau cũng không thiếu, rồi lớn hơn nữa để với tới tình cảm vợ chồng khi bấy giờ không chỉ đơn thuần là tình cảm trái tim mà còn mang theo phần trách nhiệm. Tất cả cảm xúc yêu thương của con người đều được tái hiện lại thông qua ca dao.
3.1  Tình cảm gia đình
    Gia đình là cái nôi của mỗi con người mà không ai được phép thiếu. Nó nuôi ta lớn lên, chăm sóc dạy dỗ ta nên người. Nhất là khi Việt Nam ta coi trọng chữ “hiếu”, dùng nó làm thước đo để đánh giá một con người, dù thời đại đổi thay, năm tháng qua đi thì điều này vẫn chưa bao giờ thay đổi.
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”
    Là một người con, bất cứ ai cũng có nghĩa vụ phải kính yêu cha mẹ. Bởi mẹ là người gần mười tháng mang nặng đẻ đau, hết mực yêu thương và chăm sóc con bằng sự dịu dàng. Không ai yêu thương con bằng mẹ, người mẹ là những con người vĩ đại, có thể hy sinh tất cả vì con. Phụ nữ từ xưa đã không màng danh phận, mong ước của họ thật giản đơn. Đó là có một căn nhà ấm no, tràn ngập tiếng cười và những người con họ sinh ra được hạnh phúc. Người nữ sẵng sàng nhận hết cái khổ vào mình, đánh đổi tất cả để có được những điều đó. Nỗi lòng người mẹ, tất cả như lắng đọng qua bài ca dao:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong 
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con”
    Hình ảnh cánh cò gắn liền với nền văn minh lúa nước, và đó là cánh cò ca dao, là cánh cò thiêng liêng đại diện cho thân phận người phụ nữ, người mẹ, người vợ với đức hy sinh thầm lặng. Đến cuối cùng, họ vẫn muốn “xáo nước trong”, vẫn lo cho đứa con của mình, sợ “đau lòng cò con”. Lời ru của mẹ đã hóa thành cánh cò, bay vào giấc mộng của con, chao liệng giữa đời, ngăn mưa bão cho cuộc đời con.

      Còn cha, tuy không hy sinh bằng mẹ, nhưng đó cũng là người mang ta đến với cuộc sống này, chăm lo cho gia đình bé nhỏ, nghiêm khắc dạy bảo ta nên người. Một gia đình phải có kẻ rắn người nhu thì con mới nên người. Mẹ đã giành phần nhu, thì cha sẽ là phần “rắn” còn lại. Là người đàn ông, cha khó có thể dịu dàng như mẹ, nhưng không có nghĩa là họ không yêu con. Người cha có cách yêu riêng của họ mà chỉ có chính họ mới hiểu được.
“Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi”
     “Nhà có nóc” là một căn nhà kiên cố, an toàn. Mà nòng nọc không đuôi thì sẽ không định hướng được, khó trưởng thành. Câu ca nói lên tầm quan trọng của người cha trong gia đình mà không căn nhà nào có thể thiếu. Vì thế, việc thể hiện chữ “hiếu” là lẽ đương nhiên.  
“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”
    Câu ca dao không chỉ thể hiện công lao to lớn cao như núi, nhiều như nước biển của cha mẹ, mà còn là lời răng dạy cho đứa con, phải biết ơn, biết yêu thương, hiếu kính và trân trọng họ, vì cha mẹ sẽ không thể mãi mãi bên cạnh chăm lo cho chúng ta.
“Cha mẹ yêu con biển hồ lai láng,
Con yêu cha mẹ tính tháng tính ngày”
    Thế thì từ đâu để chúng ta có cha có mẹ. Chính ông bà đã mang họ đến cho ta, rồi giúp đỡ cha mẹ chăm nom và giáo dục ta trưởng thành. Sâu xa hơn nữa còn là tổ tiên, những người đi trước, những người ngã xuống cho mái ấm của chúng ta hôm nay. Vậy, chữ “hiếu” không phải dành riêng cho cha mẹ mà còn phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cha ông đi trước.
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt, nhớ ông bà bấy nhiêu”
    Một gia đình, đâu chỉ có riêng ta, cha mẹ với ông bà. Một gia đình lớn ngoài ta sẽ còn có những đứa trẻ khác, là anh chị em cùng ta khôn lớn, cùng ta ăn học, chơi đùa. Ca dao thể hiện tình cảm con người, tất nhiên không thể bỏ qua tình cảm anh chị em một nhà keo sơn gắn bó.
“Anh em như thể tay chân,
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”
Hay
“Anh em một họ một nhà
Thương nhau chân thật đường xa cũng gần.”
3.2  Tình cảm làng xóm, bạn bè
     Ai đó đã nói “Không ai có thể sống cô độc”. Quả vậy, sống mà chỉ có mình ta, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo vô cùng. Bên cạnh gia đình, con người cần có ai khác để sẻ chia, cùng sinh hoạt, cùng cảm nhận cái đẹp của cuộc sống. Gia đình không thể lúc nào cũng có thể lắng nghe và thấu hiểu, không thể luôn luôn bên ta trong mọi phút giây, nên chúng ta còn cần nhiều người khác quan tâm giúp đỡ và ngược lại. Tất cả tạo ra mối quan hệ cộng đồng hòa hợp, kết thành tình đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc.
“Giáo lương thì cũng một làng 
Đồng cùng chung gánh đôi đàng cùng đi 
Mỗi người mỗi đạo thì tuỳ 
Miễn sao có ngãi có nghì với nhau.
hay
“Cơm ăn không hết thì treo 
Việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng.

3.3  Tình cảm đôi lứa
     Sau tất cả, những người con sẽ lớn lên, ai rồi cũng sẽ trưởng thành, như chú chim rời tổ tìm hạnh phúc cho chính mình. Từ đó, tình yêu đôi lứa xuất hiện thật tự nhiên trong ca dao. Hơn hẳn các thể loại ca dao khác, ca dao tình yêu đôi lứa lại chiếm một khoảng khổng lồ trong kho tàng ca dao dân tộc và dù ở bất cứ thời đại nào, nó cũng dễ dàng chinh phục được người đọc. Nguyên do là vì các bài ca dao có nội dung về tình yêu này không cứng nhắc với những niêm luật phức tạp như thơ cổ điển. Ta có thể thấy rõ rằng các bài ca dao về tình yêu đôi lứa thường theo dạng “xuất khẩu thành thơ”, rất trong sáng và lành mạnh cũng như đầy tính hồn nhiên, trẻ trung và đáng yêu của các cặp đôi mới lớn.
     Ngày xưa, khi yêu, người ta thường lí tưởng hóa tình yêu, khiến họ cảm thấy bản thân thật bé nhỏ, vụng về. Nhất là ở người con gái. Họ thường diễn tả sự choáng ngợp của tâm hồn mình khi nhìn và nghĩ đến người mình yêu, để rồi bẽn lẽ, ngại ngùng, bối rối.
“Thấy em gò má hồng hồng 
Phải chi em đừng mắc cỡ, anh bồng anh hun”
     Khác với con gái, người con trai tất nhiên phải tự tin hơn, thể hiện mình để tạo ấn tượng với các cô, để giành lấy cho mình tình yêu. Nói như thế không phải là các anh không biết ngượng ngùng, nhưng với lối sống xưa kia, đòi hỏi người con trai phải vững vàng hơn các chị em. Vì thế ta có thể thấy các câu tỏ tình không hề giấu diếm, đầy sức bộc lộ.
“Tui hun mình dẫu có la làng 
Thì tui ra đó hai đàng chịu chung 
Tui hun mình dẫu có làm hung 
Nhơn cùng tắc biến, tui chun xuống sàn”
    Trong tình yêu đâu phải lúc nào cũng đầy mật ngọt, rồi sẽ cũng sẽ có lúc đắng cay. Đó có thể là sự phản bội, hay sự thất bại do im lặng chờ đợi. Không chỉ sự hạnh phúc được tìm thấy trong ca dao tình yêu đôi lứa, mà hơn cả chính là nỗi đau mất mát. Không phải người con trai nào cũng dũng cảm giành lấy tình yêu, còn con gái thì luôn ngượng ngùng chờ đợi, để rồi sau đó hối hận, tiếc nuối cũng đã muộn màng.
“Trèo lên cây bưởi hái hoa, 
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân 
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, 
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay.”
     Bài ca dao thể hiện sự tiếng nuối của chàng trai, khi bản thân mãi lo lắng cho những thứ phía xa mà để lại “nụ tầm xuân” ở “vườn cà” thấp, để rồi khi “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”, màu xanh của tuyệt vọng chứ không phải màu đỏ hồng vốn có, thì lúc đó mới tiếc rằng tại sao mình không đến sớm hơn.
“Em như hoa nở trên cành,
Anh như con bướm lượn vành bên hoa
Bây giờ anh lấy người ta
Như dao cắt ruột em ra làm mười”
     Hay như nỗi buồn của cô gái trong bài ca dao trên, khi không đủ dũng cảm trong tình yêu, để rồi vụt mất nó. Cô gái ở đây sử dụng hai hình ảnh “hoa” và “bướm”. Cô ví mình là “hoa nở trên cành”, luôn ở đó chờ bướm đến. Rồi cô trách anh không đủ can đảm, chỉ dám “lượn vành” mà không biết ý cô, để đến cuối cùng thì đi lấy người khác, để lại cô đau khổ muôn phần.

    Sau tất cả, tình yêu đôi lứa không chỉ đa dạng khi tuổi cặp kê cười đùa. Qua năm qua tháng, ai cũng sẽ phải lấy chồng, lấy vợ, tạo dựng cho mình một tổ ấm riêng. Khi đó, tình yêu đôi lứa không còn hồn nhiên như trước, mà nó còn kèm theo trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với người bạn đời, là trách nhiệm với gia đình nhỏ mới, với con cái. Khi đó, họ sẽ cùng nhau “hạnh phúc cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia.”  Bởi họ hiểu rằng đối phương sẽ là người cùng mình đối mặt với tất cả khó khăn trong cuộc đời phía trước. Tình cảm vợ chồng thiêng liêng bền chặt được khắc họa đầy rõ nét qua ca dao.
“Râu tôm nấu với ruột bầu, 
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”
Hay
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng 
Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.”
Hay
“Sông dài cá lội biệt tăm 
Phải duyên chồng vợ, mấy năm cũng chờ”
    Thơ ca dân gian nói chúng và ca dao nói riêng đề cập đến rất nhiều vấn đề trong cuộc sống xã hội. Mỗi vùng miền, mỗi phong cách. Mỗi con người lại có cách dùng từ khác nhau, thể hiện đủ các cung bật sắc thái “hỉ - nộ - ái - ố” trong tình yêu. Vì thế, ca dao về tình yêu càng thêm muôn hình vạn trạng và luôn phát triển theo thời gian. Tất cả như một món ăn nuôi dưỡng tâm hồn ta.
III.         Tổng kết:
     Có thể nói ca dao chính là tiếng nói phản ảnh cuộc sống sinh hoạt, lao động, đấu tranh xã hội của nhân dân. Nó chính là câu hát, hát cho hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn phong phú chứa đựng trong những bài ca dao. Đời sống vật chất và tâm hồn đầy đa dạng đó đã hiện lên bằng tất cả sự rung động mãnh liệt nhất, đầy tinh tế, độc đáo và sâu sắc cũng như thể hiện rõ tính nhân văn. Ta có thể thấy ca dao tuy mộc mạc đơn sơ, nhưng nó lại là một sự khám phá của con người vừa hào hứng vừa can đảm mà chúng ta phải đón nhận như chúng ta đón nhận chính cuộc đời này. Đó chính là cái nhìn khám phá nội tâm bằng cái nhìn từ phía bên ngoài, và nhìn thế giới bên ngoài bằng chính tâm hồn chúng ta.


     Và đã là ca dao thì không thể thiếu chữ “tình” – “tình” trong “tình yêu quê hương, yêu gia đình, yêu con người và yêu đất nước”. Ca dao chính là phương tiện để truyền đạt lại thành công cái “tình” của con người. Để có thể sống, con ngươi cần có tình yêu. Phải yêu cuộc sống thì mới yêu đến bản thân, gia đình, làng xóm. Và vì chữ “tình” giữa người và người quá lớn, con người ta sẽ yêu luôn cả những gì bảo vệ cho thứ họ yêu thương. Từ đó, chữ “tình” đã nhân rộng ra hơn nữa thành tình yêu đồng bào, yêu quê hương đất nước. Từ đó, ta có thể hiểu rằng cuộc sống này thật đáng sống vì có chữ “tình”, và chữ “tình” đó đã được lưu giữ lại trong tác phẩm văn học dân gian nói chung và ca dao nói riêng, truyền lại đến muôn đời sau.

Messie Huỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét