13 thg 11, 2013

DÙNG HÀNG VIỆT LÀ YÊU NƯỚC ?

DÙNG HÀNG VIỆT LÀ YÊU NƯỚC ?

     Từ lâu, các khẩu hiệu như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”,… có lẽ đã không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Tuy nhiên dù như vậy, song với tâm lí sính ngoại của người dân, các mặt hàng Việt vẫn chưa thật sự tạo được niềm tin trong lòng người tiêu dùng. Nhưng nếu tất cả mọi người đều dùng hàng ngọai, thì đất nước chúng ta sẽ ra sao?

     Sau khi phỏng vấn lấy ý kiến nhiều người, các kết quả tôi nhận được hầu hết đều như nhau. Đa số những ngừoi được phỏng vấn đều đã từng tin tưởng vào chất lượng của hàng nội địa, nhưng niềm tin ấy đều dần bị mai một bởi các lí do khác nhau. Có một số trường hợp hi hữu như mua nhầm hàng kém chất lượng khiến niềm tin bị sụp đổ. Do đó, lựa chọn cuối cùng của họ vẫn sẽ là hàng ngoại nhập, và hầu như tất cả đều cho rằng “dùng hàng Việt là yêu nước” là ý kiến thiếu sự chính xác. Bởi theo họ, tình yêu nước không được thể hiện qua việc bạn dùng sản phẩm của nước mình hay nước khác, và vẫn còn rất nhiều cách thể hiện lòng yêu nước của mình. Không chỉ vậy, khi mua hàng, chúng ta không mua vì lòng yêu nước, mà chúng ta sẽ luôn phải ưu tiên cái lợi ích mình trước, đó là chú ý vào chất lượng và túi tiền. Từ đó xuất hiện nhiều câu hỏi như liệu “dùng hàng Việt” có thật sự là yêu nước? Khi nào thì dùng hàng Việt là yêu nước, khi nào thì không? Nếu không dùng hàng Việt là không yêu nước? Đó chắc chắn là những câu hỏi không dễ trả lời, nhất là trong thời buổi thị trường kinh tế đất nước đang có nhiều biến đổi hiện nay.





Chú thích: Những hình ảnh từ cuộc phỏng vấn qua Internet

     Chắc có lẽ ai cũng hiểu được tinh thần yêu nước. Chúng ta sinh ra và lớn lên, học tập và lao động trên mảnh đất này - đó là một minh chứng sắt đá cho việc ta là người Việt Nam. Trên tinh thần ấy, điều thiết yếu mà mỗi con người trong chúng ta cần phải có là tình yêu đất nước, không những vậy, bằng cách này hay cách khác, ta cần phải thể hiện lòng yêu nước của mình. Nếu nói đơn giản thì người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chính là thể hiện tinh thần yêu nước. Ý kiến này có thể đúng mà cũng có thể sai. Với mỗi người tiêu dùng, khi lựa chọn một món hàng, hai điều đầu tiên cần phải quan tâm là chất lượng và giá cả. Ở đây, tính chất "nội địa" hay "nhập khẩu" có thể được xếp sau. Không phải vì người tiêu dùng ta sính ngoại, mù quán, ích kỉ mà đây chính là tiêu dùng có tri thức. Nguyên do chúng ta chọn mua mặt hàng Việt Nam vì chúng ta tin vào việc các công ty và doanh nghiệp Việt Nam luôn đóng thuế cho nhà nước, qua kiểm định và mang mác “Việt Nam”, từ đó đảm bảo về chất lượng, giá thành cũng như việc quyền lợi của chúng ta được bảo vệ tốt hơn. Cạnh đó còn tồn tại quan niệm cho rằng một ông chủ Việt Nam sẽ tốt hơn một ông chủ là người nước ngoài.
     Tại sao lại nói việc mua hàng của các công ty doanh nghiệp Việt Nam có thể đúng và cũng có thể sai.  Khi phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” được khởi xướng, nó dấy lên tình cảm thiêng liêng vốn có trong mỗi con người Việt Nam. Mọi người đều sẽ ủng hộ các công ty doanh nghiệp đính mác “made in Vietnam”. Chỉ hành động nhỏ bé đó thôi lại đại diện cho một ý nghĩa tinh thần sâu sắc, ở đây có thể hiểu chính là tinh thần yêu nước. Khi đặt ra hai sản phẩm với cùng chỉ tiêu về chất lượng cũng như giá thành, người Việt chúng ta thường sẽ lựa chọn mặt hàng của Việt Nam, thể hiện được lòng yêu nước của mình. Việc ủng hộ hàng Việt Nam là một cách góp phần vào việc đưa các thương hiệu mang tên Tổ quốc ra thị trường quốc tế, phát triển và củng cố nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, các mặt hàng trong nước dễ dàng đảm bảo được hàng thật chất lượng thật hơn so với các mặt hàng ngoại xách tay hay trôi nổi trên thị trường, chợ đen, Internet,..
     Mặc dù nói là như vậy, nhưng chúng ta cũng không thể nào không nhìn nhận là nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên về mặt đất đai, tài nguyên rồi còn được ưu đãi về thuế thậm chí còn độc quyền thị trường trong một số mặt hàng nhưng lại làm ăn thua lỗ, tạo thêm nợ xấu,… thì việc mua hàng của các doanh nghiệp này chính là tiếp tay cho các hoạt động kinh tế không hiệu quả, tôn hại đến tương lai cũng như nhân lực đất nước. Không chỉ với các doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tư nhân ép nông dân bán đất với giá rẻ mạt mà không bồi thường đúng theo qui định, sản xuất có lời mà trốn thuế nhà nước thì việc mua hàng của các doanh nghiệp này cũng là một hành vi giúp các hoạt động đáng lên án trên tiếp diễn và lan rộng. Thậm chí còn có nhiều doanh nghiệp lén giảm chất lượng sản phẩm xuống để được lời nhiều hơn. Qua phỏng vấn, một bạn mang tên tài khoản Have Have cho biết: “Cây quạt mẹ tôi mua có chữ "hàng việt nam chất lượng cao"xài đúng 3 ngày hư lên hư xuống cuối cùng bỏ luôn” Nếu tình trạng như trên cứ tiếp diễn, khi đó, việc mua hàng Việt Nam là yêu nước có còn chính xác?


Chú thích: Ảnh chụp bài phỏng vấn bạn mang tài khoản Have Have

     Chính bởi vì có những công ty như thế nên người dân lại bắt đầu quay sang các mặt hàng nước ngoài, tạo ra tâm lí sính ngoại, “đồ nước ngoài tốt hơn đồ Việt Nam”. Ngoài ra, người Việt còn có một thói quen khó bỏ là thích đồ rẻ. Các sản phẩm rẻ tiền thì ai không thích, nhưng rẻ mà phải đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, đối với một số người, người ta chỉ quan tâm đến giá cả mà quên đi cái tinh hoa quan trọng bên trong. Một thời hàng Trung Quốc lên ngôi, các bà nội trợ đi đâu cũng nghe bảo nhau là đồ Trung Quốc giá rẻ, nên mua hơn. Để rồi khi vỡ lỡ những chuyện như “đồ Trung Quốc gây ung thư”, “bánh Trung Quốc đưa vào Việt Nam hết hạn sử dụng”, “trái cây Trung Quốc chứa hóa chất độc hại”,… thì mọi người mới ngỡ ngàng, lo lắng quay sang mua đồ Việt Nam. Từ đó, chúng ta không thể chối bỏ một sự thật rằng sản phẩm không phụ thuộc vào giá thành hay quốc gia sản xuất mà là nằm ở chất lượng.

     Trên thực tế, các tập đoàn và công ty đa quốc gia cũng đặt văn phòng, nhà máy và công xưởng ở Việt Nam, tuyển nhân công Việt Nam, đóng thuế cho nhà nước, tăng cường GDP,.... Thậm chí họ còn giúp chúng ta mở rộng thị trường, thu hút các vốn đầu tư nước ngoài và tổ chức các chuyến từ thiện xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cũng không thể chối bỏ rằng có rất nhiều dòng sản phẩm nước ngoài chất lượng tốt hơn nhiều so với các dòng sản phẩm trong nước. Tiêu biểu nhất là với các mặt hàng điện tử, xe mô tô, ô tô,… Rõ nhất chính là sự hiện diện đang làm mưa làm bão của các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường Việt Nam như Honda, Sony, Samsung, Nokia, Toyota, LG, Ford,… Vì thế, giữa việc chọn lựa một sản phẩm Việt Nam với sản phẩm nước ngoài thì tất nhiên sản phẩm nước ngoài chất lượng hơn sẽ được ưu tiên, dù giá thành có đắt đỏ đi nữa. Bên cạnh đó, thị trường cũng không thiếu nhiều sản phẩm chất lượng nước ngoài giá thành thậm chí còn thấp hơn cả mặt hàng Việt Nam, dù cho hàng Việt Nam chất lượng lại không bằng.

     Nhưng cái gì cũng có hai mặt, nhất là đối với các sản phẩm nước ngoài thường sẽ không được đảm bảo bởi nhà nước, dễ dàng mua nhầm hàng giả dù đã vào tận nơi chính hãng mua. Đặc biệt là các mặt hàng xách tay, đặt mua qua Internet hay các cửa hàng trung gian. Lúc ấy, chỉ có thể phụ thuộc vào kĩ năng từng vị khách hàng và vận may của họ mà thôi.


Chú thích: Người dân chọn lựa mua hàng Việt

     Như vậy, một người dùng yêu nước chính là một người dùng thông minh trong việc mua sắm, cân nhắc lựa chọn các mặt hàng chứ không phải là một người dùng luôn mua hàng được sản xuất bởi các doanh nghiệp mang mác Việt Nam. Họ phải biết cách tẩy chay các mặt hàng xấu kém chất lượng, không qua kiểm định, hay các công ty chạy theo lợi nhuận mà phá hoại môi trường hay trốn thuế cùng các hành vi đầy sự bất công khác. Hơn nữa, họ còn phải biết ủng hộ cho các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo về chất lượng hay giá thành hàng hóa mà còn phải tổ chức các hoạt động công ích, góp phần phát triển đất nước. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải có nguồn thông tin minh bạch, xác thực đáng tin cậy về sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp cũng như dựa vào kĩ năng chọn lựa của mỗi người sao cho việc mua hàng trở nên hợp lí, đáng đồng tiền bát gạo nhất. Chỉ khi làm được những điều đó, “dùng hàng Việt là yêu nước” mới trở nên hợp lí và chính chúng ta mới có thể là những người dùng yêu nước.

Messie Huỳnh

P/s: đây là bài làm nộp dự thi cho sở, tuy nhiên lại không thật sự đầu tư nhiều lắm *hổ thẹn*

P/s 2: vừa nhận được thông báo, bài viết này đoạt giải khuyến khích *tung bông* ăn mừng thoai *tung hoa* 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét