1 thg 3, 2013

Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" - Nguyễn Thành Long


   Nguyễn Thành Long tuy là một cây bút chuyên về truyện ngắn và kí nhưng vẻ đẹp nghệ thuật của ông không nằm ở những phát hiện sắc sảo, sự táo bạo, kịch tính mạnh mẽ trong tác phẩm. Vẻ đẹp ấy đến từ sự dịu dàng đậm chất thơ, sâu lắng và trầm lặng như tiếng chuông ngân dài trong tim tôi cũng như người đọc, để lại những khoảng lặng, những cảm xúc khó nói thành lời. Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” như một minh chứng tiêu biểu cho phong cách văn của ông. Tác phẩm được viết qua một chuyến thực tế Lào Cai của tác giả, kể về một vùng đất thầm lặng và đã khắc họa thành công hình ảnh những con người đang làm việc quên mình để cống hiến cho đất nước, được thể hiện rõ nét nhất qua hình ảnh nhân vật anh thanh niên.

   Cốt truyện về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa một họa sĩ già đến với Sa Pa để tìm tác phẩm để đời của bản thân, một cô kĩ sư trẻ vừa ra trường đi nhận công tác và một anh thanh niên đang làm việc trên đỉnh Yên Sơn. Tuy các nhân vật có khác nhau về tuổi trác, nghề nghiệp nhưng ai trong họ cũng có chung một thái độ sống, lao động và cống hiến hết mình cho Tổ quốc, một cách vô tư hồn, nhiên âm và thầm lặng lẽ. Với cốt truyện đơn giản, tác giả đã xây dựng và làm rõ nét hơn những sự cống hiến ấy.

   Nhân vật anh thanh niên ở tuổi đời hai mươi bảy tươi đẹp rời bỏ chốn phồn hoa đô hội để đến với một Sa Pa lặng lẽ buồn tênh. Ngay ở cái tựa của tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” như phần nào diễn tả cái lặng lẽ đến đáng sợ ở nơi này. Đó là cái lặng lẽ của đỉnh núi Yên Sơn “cao hai nghìn sáu trăm mét”, “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Lặng lẽ ở đây như chỉ về sự cô độc của anh thanh niên một mình với “công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu”, “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”, là “người cô độc nhất thế gian”- theo như lời bác lái xe, “thèm người” đến mức phải đẩy cây ngáng đường chỉ để xe dừng lại nói chuyện một lát. Rồi cái lặng lẽ này còn là cái lặng lẽ lúc nửa đêm, khi đến giờ “ốp”, “ghi và báo về lúc một giờ sang”, một mình anh “Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ”. Lặng lẽ là thế, cô đơn là thế, anh vẫn chấp nhận và thậm chí là hạnh phúc với công việc của mình, điều mà không phải ai cũng có. Anh bảo ảnh nào có cô đơn   “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”, “ lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà” Anh cũng khát khao được hi sinh cho Tổ quốc đấy, được cầm sung ra trận khi cùng bố nộp đơn đi lính, nhưng giờ đây anh lại hạnh phúc với những gì mình đang có bởi anh hiểu mình cũng đang góp phần bảo vệ nước nhà, nhất là khi biết nhờ mình phát hiện đám mấy khô mà “không quân ta hạ đựơc bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng” . Điều đó cùng những chi tiết trên cho ta thấy lòng yêu nước,  nghề sâu sắc, sự cần cù, đam mê và cống hiến cho nghề cũng như trách nhiệm của anh với công việc gian khổ.

   Những tính các cao đẹp của anh không chỉ dừng lại ở đó mà còn nằm ở lòng nhân hậu, sự khiêm tốn, lễ phép, đơn giản mà chất phác trong anh. Anh đã tự tạo cho mình thú vui nơi vắng vẻ như trông hoa nuôi gà. Sự đơn giản của anh được thể hiện qua chi tiết “Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời anh thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”. Thế giới riêng của anh đấy, chỉ vỏn vẹn như thế mà thôi. Hành động tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe, trứng và hoa cho ông họa sĩ và cô kĩ sư đã phần nào chỉ ra sự hiền lành, quan tâm mọi người của anh. Rồi khi ông họa sĩ có ý muốn vẽ anh, anh dù từ chối nhưng vẫn ngồi yên, thể hiện sự lễ phép, tôn trọng của anh đối với ông. Anh bắt đầu gợi ý cho ông họa sĩ những người khác mà anh cho là thích hợp hơn anh để vẽ như ông kĩ sư vườn rau “Ngày này sang ngày khác ông ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào. Rồi, để được theo ý mình, tự ông cầm một chiếc que, mỗi ngày chín mười giờ sáng, lúc hoa tung cánh, đi từng cây su hào làm thay cho ong. Hàng vạn cây như vậy. Để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngon hơn trước.” hay anh cán bộ nghiên cứu sét không dám đi đâu vì sợ khi có sét lại vắng mặt mình. Sự khiêm tốn đong đầy trong giọng văn thể hiện nên một hình ảnh rất đẹp về anh thanh niên. Hình ảnh anh thanh niên ngây thơ trả lại chiếc mùi xoa cho cô kĩ sư như làm đậm nét hơn sự thật thà chất phác của anh.

   Hình ảnh về anh cũng được khắc họa qua các nhân vật khác. Qua lời kể của bác lái xe, ta biết sơ lược về nhân vật này, về sự “thèm người” của anh. Ông họa sĩ già, từng trải khao khát tạo ra một kiệt tác cuối đời mình. Câu nói “Phải vẽ được cái gì suốt đời mình thích” của ông như làm rõ thêm điều đó. Ông nhìn ra ở anh những nét đẹp mộc mạc và giản đơn. Cũng chính vì thế mà ông đã chọn anh làm đối tượng cho kiệt tác của mình. Những suy nghĩ nội tâm sâu sắc của ông như làm sáng đẹp thêm hình ảnh anh thanh niên, khiến hình ảnh đó có có thêm chiều sâu tư tưởng. Về phần cô kĩ sư, sau khi trò chuyện cùng anh, cô đã nhận định đúng hơn về con đường mà mình đã chọn, về mối tình cũ nhạt nhẽo và thêm phần yên tâm hơn về quyết định của mình. Song, cô còn cảm thấy mình như nhận được thứ gì từ anh, không chỉ bó hoa to mà còn vì “Mà vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.

Ngoài ra, hình ảnh cách nhân vật như anh bạn trên đỉnh Phan-xi-păng, ông bố, ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu sét đã vẽ thêm lên anh sự khiêm tốn, yêu nghề. Bản thân họ cũng là những hình ảnh vẽ đẹp về nhưng con người thầm lặng, hi sinh cho đất nước với câu “Trong cái lặng im của Sa Pa , dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.” Nói tới Sa Pa, người ta sẽ nghĩ ngay đến tuyết, đến sự giá lạnh. Nhưng ngay từ đầu câu chuyện, tác giả đã bắt đầu qua hình ảnh nắng hừng hực lửa “đốt cháy cả rừng cây”, hay phía cuối với nắng “mạ bạc cả con đèo”, “làm cho bó hoa và cô gái cũng rực rỡ theo” như hàm ý rằng nơi đây đang được hâm nóng bởi ý chí chiến đấu trong công việc của bao con người.

  Với cách sắp xếp tình huống đầy hợp lí, tác giả khiến cho nhân vật chính như đẹp hơn về thể xác bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong, qua các chi tiết và con mắt, sự đánh giá của các nhân vật phụ. Cách kể chuyện theo ngôi ba của tác giá thật tự nhiên, như nhập vào nhân vật ông họa sẽ để mô tả cảnh Sa Pa thật đẹp, cô kĩ sư đáng yêu, anh thanh niên đáng mến…. Ngoài ra, “Lặng lẽ Sa Pa” được tác giả xây dựng đậm chất trữ tình kết hợp tự sự và bình luận. Nhân vật anh thanh niên với tâm hồn phong phú, cô kĩ sư với nhiều tâm sự song cũng hồn nhiên và trẻ trung, ông họa sĩ yêu đời cùng khát vọng nghệ thuật cháy bỏng,… Hình ảnh anh thanh niên hái hoa, tặng hoa cho cô gái,… đậm chất thi ca. Và còn những triết lí như câu nói của ông họa sĩ “Buồn thì ai chả sợ? Nó như con gián gặm nhấm người ta? Tốt hơn là tránh nó để làm việc đời”, khiến người đọc có nhiều suy tưởng. Ta có thể thấy các nhân vật trong câu chuyện hoàn toàn không có cái tên chính xác, tất cả đều được gọi bằng những danh từ chung. Có lẽ qua tác phẩm, tác giả muốn cho người đọc hiểu rằng những nhân vật đáng quý này có thể là bất cứ ai mà ta lướt qua trong cuộc sống.

“Lặng lẽ Sa Pa” Một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời. Chính những điều tuyệt diệu ấy đã khiến “Lặng lẽ Sa Pa” trở thành một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi tác giả Nguyễn Thành Long. Những nhân vật trong câu chuyện khiến tôi liên tưởng đến những câu thơ:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Họ như những mùa xuân nhỏ, lặng lẽ cống hiến cuộc đời mình cho đất nước. . Tác phẩm đã để lại trong lòng tôi, và có lẽ là cả nhiều bạn đọc khác, những khoảng lặng, rung động trước cái đẹp  không chỉ ở cảnh vật mà còn ở những con người Sa Pa, nguyện noi gương họ trở thành những công dân tốt để giúp sức cho Tổ quốc trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đạị hóa đất nước.

Messie Huỳnh

6 nhận xét: