9 thg 12, 2013

Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi

Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi

    Trong tất cả các nhà thơ trung đại, Nguyễn Trãi có lẽ là vị thi nhân có cuộc đời thăng trầm nhất, khi mà cả hạnh phúc lẫn khổ đau đều được đẩy lên đến đỉnh điểm. Nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng của ông, một nhà thơ kiệt suất đã để lại những đóng góp to lớn cho kho tàng thơ ca Việt Nam, thậm chí còn là người đặt nền móng và mở đường cho sự phát triển của thơ tiếng Việt – thơ Nôm. “Cảnh ngày hè” chính là bài thơ tiêu biểu cho tài năng cũng như thể hiện đậm nét phong cách cùng suy nghĩ rất riêng của Nguyễn Trãi.

     Từ những bão táp cuộc đời mình, thơ Nguyễn Trãi mang phong cách và tư tưởng rất riêng. Thơ ông thể hiện cái nhìn sâu sắc về cuộc đời đầy phức tạp cùng tình cảm nhân hậu và chân thành đối với đất nước, con người. Qua thơ, ta còn có thể thấy ở Nguyễn Trãi tâm tư u uất cùng khát vọng lớn lao của với đất nước. Như đã đề cập ở trên, “Cảnh ngày hè” có thể xem là bài thơ tiêu biểu cho phong cách của ông. Bài thơ là bài thơ số bốn mươi ba trong “Quốc âm thi tập”, được viết trong thời gian Nguyễn Trãi bỏ chốn quan trường lui về ở ẩn. “Cảnh ngày hè” chính là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của mùa hè, chứa đựng trọn vẹn tình yêu đời, yêu dân yêu nước của Nguyễn Trãi.

    Sáu câu đầu “Cảnh ngày hè” được dùng để diễn tả tâm hồn yêu thiên nhiên đất nước, yêu cuộc sống trong những ngày ẩn của Nguyễn Trãi. Hoàn cảnh sinh sống của tác giả được tô đậm ngay từ câu đầu bài thơ:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường,”

     Ngay từ đầu bài thơ, Nguyễn Trãi đã nêu ngay cuộc sống thanh bình những ngày ở ẩn của ông. “Rồi” của nghĩa là rãnh rỗi, cùng “ngày trường”, ta có thể thấy được sự tái hiện của cuộc sống nhàn tản, không vướng bận, hòa mình vào thiên nhiên của ông. Dù được tổ chức theo kiểu một bài thất ngôn bát cú nhưng bài thơ lại mở đầu bằng một câu thơ lục ngôn, ngắt nhịp tự do 1/2/3kéo giãn thời gian một ngày, khiến người đọc có thể cảm nhận được sự tự tại, không gò ép của ông, cảm giác thư thái cũng theo đó mà ngân nga, lắng đọng.

“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.”

    Ở năm câu thơ tiếp theo chính là bức tranh thiên nhiên về mùa hè tuyệt đẹp, tất cả đều được tái hiện qua đôi mắt người thi nhân vĩ đại. Dùng biện pháp liệt kê, kể các hình ảnh gắn liền với mùa hè như hoa hòe, lựu, hoa sen, chợ cá. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh bình dị, gần gũi của cuộc sống thôn quê. Nguyễn Trãi đã tinh tế pha trộn cả hai không gian tĩnh và động. Sự động được thể hiện qua các động từ cũng như sử dụng từ láy hình ảnh có tính chất mạnh mẽ như “đùn đùn”, “phun”, “tiễn”, “giương”. Từ đó, ta có thể cảm nhận được sức sống mãnh liệt căn tràn bên trong vạn vật. Nếu mùa xuân là khi cây trái đâm chồi nảy lộc, thì mùa hè chính là lúc chúng mạnh mẽ nhất, phô ra cái căng đầy và sung mãn nhất của sự trưởng thành.

     Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi còn sử dụng đến nghệ thuật màu sắc để tô điểm thêm cho bức tranh của mình. Từ màu xanh um tùm của lá cây, màu vàng của hoa hòe, đỏ của lựu rồi màu hồng của hoa sen, ta có thể thấy có sự pha trộn giữa hai gam màu nóng lạnh, nhưng tất nhiên gam màu nóng chiếm ưu thế chủ đạo. Trong số đó, hoa lựu đã không còn là màu đỏ nhàn nhạt mà được thể hiện đầy rực rỡ như mặt trời ngày hè. Sau này, Nguyễn Du cũng dùng hình ảnh hoa lựu để diễn tả mùa hè của mình.

“Dưới trăng quyên đã gọi hè, 
Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông.”

     Nguyễn Du cũng ví hoa lựu của mình như ngọn lửa. Tuy nhiên, “lập lòe” là một từ nhẹ, như làm giảm đi cái nóng của ngọn lửa ấy, không thể rực rỡ bùng cháy như hoa lựu của Nguyễn Trãi “phun thức đỏ”.

Dù Nguyễn Trãi chưa đề cập đến sự oi bức nhưng ta cũng có thể cảm nhận được cái nóng và nắng cháy da xé thịt của ngày hè. Qua bài thơ, ta còn ngửi thấy mùi hương hoa sen hồng thoang thoảng trong gió, nghe thấy âm thanh “lao xao” của chợ cá phía xa và đặc biệt hơn là tiếng ve đầy đặc trưng mà chỉ ngày hè mới có. Nguyễn Trãi cảm nhận tiếng ve như một bản hòa âm của mùa hè, là “cầm ve” tức bản đàn của chứ không còn là những tiếng “chi chi” đơn điệu. Tác giả sử dụng nghệ thuật đảo ngữ để nhận mạnh thêm về mặt âm thanh, tái hiện lại ánh chiều tàn của một ngày nhưng vẫn không thiếu phần rộn ràng. Năm câu thơ đã thể hiện trọn vẹn sự gắn kết của Nguyễn Trãi với thiên nhiên, khi ông dùng tất cả các giác quan của mình (trừ vị giác) cùng sự liên tưởng để cảm nhận mùa hè một cách trọn vẹn nhất, khiến cho người đọc nhận ra được tình yêu thiên nhiên của ông cùng sự giao cảm mãnh liệt nhưng không thiếu phần tinh tế của nhà thơ với ngày hè.

“Dẻ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”

     Qua hai câu kết, Nguyễn Trãi cũng đã trải lòng mình ra, tấm lòng thương dân yêu nước. Mặc dù ông đang ở ẩn, nhưng vẫn không thể buông xuống gãnh nặng lo lắng cho nhân dân. “Thân nhàn nhưng tâm không nhàn” – một mô tip thường thấy trong thơ Nguyễn Trãi. Từ “dẻ có” trong câu thơ có nghĩa là nên có, tức đây là mong muốn của tác giả. Nguyễn Trãi sử dụng thần thoại Trung Quốc về cây đàn của vua Ngu Thuấn, đàn lên khúc Nam Phong, cầu cho dân chúng thêm nhiều của, ấm no hạnh phúc. Ý nghĩa của cả câu thơ chính là Nguyễn Trãi mong muốn có được cây đàn của vua Ngu Thuấn để đàn khúc Nam Phong cho nhân dân thái bình hạnh phúc. Mở đầu bằng một câu thơ sáu chữ, kết thúc bằng một câu thơ sáu chữ, cùng cách ngắt nhịp 3/3 ngắn gọn, dứt khoát, cùng việc sử dụng nghệ thuật liệt kê tăng tiếng “giàu”, “đủ”, “đòi”, câu thơ cuối nói lên mong muốn dân giàu đủ mạnh mẽ chắc chắn của Nguyễn Trãi, không chỉ ở một địa phương mà là “khắp đòi phương” túc ở mọi nơi. Tấm lòng thanh cao của Nguyễn Trãi lan dài, dù trong mọi hoàn cảnh, lòng ông luôn quan tâm tới đất nước. Đó cũng là lí do vì sao sau khi ông lui về ở ẩn, ông vẫn tiếp tục hỗ trợ, tham vấn cho triều đình nhưng không trực tiếp làm quan. Câu thơ lục ngôn cuối cùng ấy tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện được sự dồn nén cảm xúc của Nguyễn Trãi trong cả bài thơ.

     Với nghệ thuật cùng ngôn ngữ hình ảnh giản dị, gần gũi cùng năng lực sáng tạo kiệt suất của Nguyễn Trãi, ông đã biến hóa thành công thể thơ thất ngôn Đường luật và sử dụng như một thể thơ dân tộc, giúp thể hiện thành công và trọn vẹn tâm ý của nhà thơ.

     Nguyễn Trãi là một nhà thơ đáng ngưỡng mộ không chỉ ở tài năng mà còn ở tấm lòng yêu thiên nhiên, thương dân và trung hậu với đất nước. “Cảnh ngày hè” đã xuất sắc thể hiện trọn vẹn lại không chỉ cái tài mà còn cả cái tâm của Nguyễn Trãi.

Messie Huỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét