Chủ đề đất nước chưa bao giờ là cũ, và trong thời kì sôi nổi như kháng chiến chống Mĩ, đây lại càng là đề tài nổi bật nhất. Trên mặt trận văn
hóa tinh thần, các nhà thơ trẻ đã thật sự làm nên một dàn đồng ca với những giọng
thơ hết sức phong phú. Nếu Phạm Tiến Duật trẻ trung sôi nổi, Nguyễn Duy sâu sắc
hóm hỉnh, Xuân Quỳnh đằm thắm yêu thương thì với “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm
đã góp vào dàn đồng ca ấy một giọng thơ tâm tình sâu lắng. Vậy điều gì đã khiến
“Đất Nước” bật lên giữa hàng trăm tác phẩm về chủ đề kinh điển, quê hương đất
nước? Đó có lẽ chính là những cảm nhận mới là của Nguyễn Khoa Điềm về Đất nước
đã làm nên sự khác biệt.
Năm 1943, xứ Huế lại mang đến cho nền thi ca dân tộc một cây
bút lỗi lạc. Đó có thể là ai nếu không phải là Nguyễn Khoa Điềm, người đã mang
lại cho cuộc đời biết bao tác phẩm rất đặc sắc, rất riêng. Nhìn lướt qua tiểu sử
cuộc đời ông, sinh ra tại Huế, học ở Hà Nội, làm việc ở miền Nam rồi trở về quê
hương thì chẳng lạ gì khi ông có kiến thức sâu sắc về Tổ quốc mình đến vậy.
RIêng “Đất Nước”,được trích từ tác phẩm “Trường ca Mặt đường khát vọng”, viết về
sự thức tỉnh của tuổi trẻ vùng tạm chiếm miền Nam.
Khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta sắp bước vào
thời điểm quyết định nhất, Nguyễn Khoa Điềm không hướng ngòi bút vào hiện thực
khốc liệt của chiến tranh như những cây bút đồng thời mà lặng lẽ đối thoại với
thanh niên để thức tỉnh họ. Lúc bấy giờ, với sự giáo dục của Mĩ mang đậm tính
chất chủ nghĩa tư bản “Biên giới Hoa Kì kéo dài đến vĩ tuyến 17, ở đâu sung sướng,
ở đâu kiếm được nhiều tiền thì ở đó là Tổ quốc.” Một bộ phận tuổi trẻ vùng đô
thị tạm chiếm miền Nam đã sống một cách rất vô tư, thờ ơ khi danh dự, tất đất của
Tổ quốc bị chà đạp bởi thứ văn hóa nô dịch sặc mùi Đế quốc.
Nét mới đầu tiên của tác giả chính là cái nhìn bình dị về
quê hương. Các nhà thơ đi trước và cùng thế hệ Nguyễn Khoa Điềm đã mải mê tự tạo
ra khoảng cách để chiêm ngưỡng hình ảnh Tổ quốc với những nét kì vĩ, mỹ lệ đầy
lớn lao hay những trang sử hào hùng. Như cách Nguyễn Đình Thi cảm nhận Đất nước
ở những nét rất hoành tráng trong một tác phẩm cùng tên
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”
Giản dị hơn, Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn một “Đất Nước” rất
thân thuộc, gần gũi. Ông bắt đầu bài thơ với những điều đơn sơ nhất.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường
hay kể”
Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm không dứt khoát màu lửa mà da
diết sâu lắng với những điều quen thuộc nhất: câu chuyện cổ tích mẹ kể, “miếng
trầu bây giờ bà ăn”, ngôi nhà, hạt gạo,…
Một nét mới nhưng không kém phần đặc sắc của tác giả chính
là giọng thơ suy tư trong cả đoạn trích. Đoạn thơ mở đầu cũng có thể được xem
như câu trả lời cho từng câu hỏi ẩn hiện xuyên suốt đoạn thơ: Đất nước có từ
bao giờ? Đất nước trưởng thành ra sao?... Có thể thấy cách nhìn nhận về Đất nước
của Nguyễn Khoa Điềm được xây dựng tương tự như hành trình cuộc đời của một con
người. Và lịch sử lâu đời của Đất nước không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp của
các triều đại “Từ Triệu ĐInh Lý Trần bao đời gây nền độc lập” (Bình Ngô đại
cáo) hay các sự kiện lịch sử mà lại được vẽ nên từ những câu chuyện kể tuổi
thơ, gợi nhớ đến các truyền thuyết xa xưa: sự tích trầu cau, truyền thuyết
Thánh Gióng,… Nền văn minh dân tộc cùng những phong tục tập quán lâu đời cũng
được lưu giữ trong từng dòng “Đất Nước”.
Tiếp nối mạch thơ chính luận- trữ tình là câu trả lời cho
câu hỏi: Đất nước là gì? Điểm đặc sắc nhất xuyên suốt phần đầu đoạn trích chính
là cách Nguyễn Khoa Điềm chia tách nhằm định nghĩa hai yếu tố đất, nước để có
thể cảm nhận và suy tư sâu hơn về Đất nước chứ không chỉ dừng lại ở khái niệm
đơn thuần. Hình tượng Đất nước thiêng liêng qua ngòi bút của tác giả vừa mang
tính cá thể hóa lại vừa hết sức táo bạo đong đầy quan niệm mới của tuổi trẻ
“ Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm….”
Đát nước nay không còn là máu lửa chiến tranh mà đong đầy kỉ
niệm tình yêu dịu ngọt trong đôi mắt của những người trẻ tuổi. Đất nước, cái
không gian tuyệt diệu ấy không chỉ chứa đựng tình yêu hiện tại mà còn là của biết
bao thế hệ qua đi, hướng suy tư của chúng ta về nguồn cội. Cái không gian về
tình yêu ấy theo ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm dần mở rộng theo nhiều chiều, để
rồi hướng tới một cái nhìn toàn vẹn hơn từ lịch sử đến địa lí sang văn hóa
phong tục. Từ đó, tứ thơ hướng độc giả vào những suy ngẫm về trách nhiệm của thế
hệ mình, như một lời nhắc nhở cả thế hệ tự ý thức một cách rất nhẹ nhàng.
“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Với cách dùng cụm từ “em ơi em”, đoạn thơ từ một lời giáo huấn
nay đã được chuyển hóa nhẹ nhàng thành một lời dặn dò, tâm sự. Ở đây, ta phải
hiểu được cái hay của Nguyễn Khoa Điềm chính là tứ thơ rất tâm lí, đánh động
vào tim người đọc. Con người ta luôn có một thói quen bảo hộ và giành lại những
gì “của mình”, nhất là lớp thanh niên được giáo dục dưới ngọn cờ chủ nghĩa Đế
quốc. Tác giả đã đánh một đòn tâm lí rất
mạnh thông qua ý thơ trên với một giọng thơ thật dịu dàng.
Nét mới trong cách nhìn nhận của Nguyễn Khoa Điềm mà có thể
xem là đặc sắc nhất, làm nên sự khác biệt của “Đất Nước” so với các tác phẩm
cùng đề tài chính là quan niệm “Đất Nước của Nhân dân”. Với cách nghĩ và ý kiến
thông thường, đa phần các tác giả sẽ nhắc đến các trang sử hào hùng làm nên một
Việt Nam nghìn năm văn hiến, với truyền thống dựng nước và giữ nước. Như cách “Tổ
quốc tôi bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên nhìn Đất nước qua bề dày
lịch sử oai hùng.
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng”
Tuy nhiên, ta có thể thấy xuyên suốt “Đất Nước”, Nguyễn Khoa
Điềm không nhắc đến những tên tuổi vang dội hay những thắng lợi lịch sử mà đổi
lại là những con người, nhân dân bé nhỏ “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng lại là
những người “làm ra Đất Nước”. Có thể nói tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” là cốt
lõi của cả đoạn trích, nhưng lại được khai thác mạnh mẽ nhất ở phần cuối bài. Tất
cả những vẻ đẹp của Đất nước trên mọi phương diện văn hóa, lịch sử, địa lí theo
Nguyễn Khoa Điềm, chính là những tinh hoa của bao công sức, khát vọng của nhân
dân. Ông nhấn mạnh lớp người vô danh “đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm”. Cuối
cùng, cốt lõi của cả đoạn trích được tác giả một lần nữa nếu rõ và khẳng định
“Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
Với một cái nhìn đầy suy tưởng cùng việc lấy tư tưởng “Đất
Nước của Nhân dân” làm chủ đạo, xen lẫn trong giọng thơ trữ tình-chính luận sâu
lắng đã làm nên những nét mới trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất nước.
Bên cạnh đó, nghệ thuật sử dụng đầy sáng tạo các chất liệu văn hóa, văn học dân
gian cũng góp phần tăng thêm sự hấp dẫn của đoạn trích. Cùng nhau, tất cả đã
mang đến sự khác biệt đầy nổi bật của tác phẩm “Trường ca Mặt đường khát vọng”
nói chung và đoạn trích “Đất Nước” nói riêng giữa rất nhiều các tác phẩm đương
thời.
Messie Huỳnh