6 thg 5, 2013

Tri ân




   Bốn năm, đó không phải là một quãng thời gian dài, nhưng cũng không thể nói là ngắn. Bốn năm, bốn mùa phượng. Tất cả chúng tôi bước vào ngôi trường này vào thời khắc phượng tàn, và giờ đây ra đi khi hoa phượng rực nở. Để có được ngày hôm nay, tự tin vươn ra những môi trường mới, đặt cho mình mục tiêu cao xa đâu chỉ nhờ sự cố gắng của riêng bản thân tôi mà còn rất nhiều, rất nhiều sự tận tâm dạy dỗ của các thầy các cô mà đời đời liệu tôi có thể đền đáp hết.
    Khi tôi đến đây lần đầu tiên, tôi như con hổ nhỏ chỉ vừa chập chững bước đầu mà tự tin ngạo mạn rằng ta đây là chúa tể muôn loài. Có lẽ vì tôi chỉ hiểu đơn giản rằng trường Chu Văn An là một ngôi trường giỏi và tôi là một trong số ít những bạn bè cũ có thể bước vào. Sau đó, tôi chợt nhận ra rằng mình chẳng là gì cả, bản thân trong lớp còn có rất nhiều bạn bè giỏi hơn tôi. Tuy nhiên đó chỉ là khởi điểm thôi, là trước khi những con hổ nhỏ chúng tôi học cách đi săn. Chính các thầy các cô đã chỉ bảo, hướng dẫn tận tình để tất cả chúng tôi có thể trở thành những con hổ dũng mãnh như ngày hôm nay. Lúc khởi đầu, khác với những lớp học trước kia, vào cấp hai tôi phải đối mặt với biết bao đổi thay. Còn đâu lớp học lặt vặt hai mươi mấy đứa học trò nữa, thay vào đó là căn phòng với hơn bốn mươi con hổ con, vừa có thể là bạn bè thân thiết như anh em, vừa trở thành đối thủ cạnh tranh nguy hiểm trong mỗi chuyến săn mồi. Nhưng đổi thay lớn nhất chính là khi tôi phải đối mặt với đâu chỉ một mà là hơn mười giáo viên bộ môn khác nhau. Thế mà chính các thầy cô đã giúp tôi quen dần và trở nên thoải mái hơn với sự thay đổi ấy. Bốn năm đi qua nhiều người, có những người thầy, người cô tôi chỉ học một lần hay một học kì, có người lại gắn bó suốt nhiều năm học. Song, tất cả đều để lại trong tôi một chút gì để nhớ, không chỉ về kiến thức mà còn cả tinh thần. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” . Tôi không thể nói rằng bốn năm qua tôi yêu hết tất cả các giáo viên. Tất nhiên là con người, ai ai đều có trong mình từ “yêu” và “ghét”. Tôi cũng thế thôi, không thích người này nhưng lại yêu quí người kia. Tất nhiên trong suốt bốn năm học, tôi vẫn mắc lỗi với nhiều giáo viên và ngược lại, tôi cũng không vừa ý với nhiều người. Thế nhưng tôi chưa bao giờ thật sự dùng từ “ghét bỏ” cho bất kì người thầy người cô mà tôi đã học. Tôi không biết với các bạn khác như thế nào nhưng tôi thì như vậy đấy. Suy cho cùng, tôi cũng nhận được ít nhiều từ họ. Các thầy các cô đâu chỉ rèn luyện cho tôi về mặt kiến thức mà còn về kỉ luật, nhân cách, trách nhiệm, giúp tôi chuẩn bị cho bản thân mọi điều cần có cho tương lai, hành trang tiến bước vào đời.
   Lớp tôi tuy mang cái danh là lớp giỏi nhưng cũng có không ít những cái trò ngốc nghếch đến dại dột, với nhau và với cả các thầy cô, tất nhiên đa phần là từ cái ý thức “yêu và ghét” kia. Lớp tôi, cùng nhau, đã làm nên nhiều trò tai quái với nhiều giáo viên. Tuy những lần ấy tôi đều đứng ngoài cuộc, nhưng tôi tất nhiên vẫn không thể nhịn được cười và lại hòa vào cùng với bạn bè. Giờ nghĩ lại cũng thật trẻ con, có xin lỗi chắc cũng chẳng bao giờ xóa hết được lỗi lầm đã phạm phải. Cũng có những lúc chúng tôi phạm lỗi vì cái vô tâm và vô lo của mình. Một trong những kỉ niệm mà có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được là khi lớp tôi ăn vụng tập thể và bị ghi tên, cô chủ nhiệm khi ấy giận ghê lắm. Cô chỉ nói vài câu, không thuyết giáo gì nhiều nhưng những lời cô nói sẽ mãi mãi in đậm trong chúng tôi. “Miếng ăn là miếng nhục”. Câu thành ngữ mà trước đây đối với chúng tôi chẳng là gì, nhưng qua lời cô, bây giờ lại trở nên nặng như chì, nhắc lại vẫn thấy rùng mình. Từ đó, cô đã để lại trong chúng tôi bài học quí báu về trách nhiệm và những cái tôi cần được tôn trọng. Sau tất cả, cái tôi khâm phục nhất ở các thầy cô chính là tấm lòng bao dung vị tha. Dù cho chúng tôi có phạm lỗi, các thầy cô vẫn công tư phân minh trong việc giảng giải bài học và chấm điểm. Bên cạnh đó, thầy cô luôn rộng lòng lắng nghe và tha thứ, chỉ cần chúng tôi biết nhận lỗi, có ý sửa đổi thôi. Tuy nhiên, cái khó chính là ở chúng tôi, những kẻ quá tự trọng và hèn nhát, để có thể mở lời xin lỗi. Trong khoảng thời gian học ở trường, tôi nhớ có lần mình nói rằng bản thân sẽ không để bất kì điểm thi môn nào dưới tám. Bạn bè tôi đã cười rần, cho rằng tôi quá ngạo mạn, trèo cao té đau. Có phải thế không? Tôi lại không nghĩ vậy. Tôi cam đoan điều đó bởi lẽ tôi hiểu rất rõ sức học của mình, và hơn hết thảy là những gì các thầy cô đã truyền đạt lại cho tôi, giúp tôi dễ dàng nắm vững kiến thức để có thể tự tin nói lên những lời ấy.  Kết quả của tôi hiển nhiên còn cao hơn mục tiêu mà tôi đặt ra, chứng minh rằng tôi không phải là một cái “thùng rỗng kêu to”, và mặt khác không phụ lại sự cố gắng chỉ dạy từ các thầy cô.
   Nghề giáo nói cho cùng cũng như người lái đò mà thôi. Họ đưa những vị khách như tôi qua bến bên kia của biển học mênh mông, rồi lại trở về bến cũ, bắt đầu lại chuyến đò mới mà không hề đòi hỏi sự nhớ ơn hay đền đáp. Có mấy ai đi qua rồi nhớ đến họ đâu, cho dù là khách quen thì chỉ trở lại dăm ba lần rồi cũng mất hút. Tại sao cái nghề bạc bẽo mà cơ cực thế các thầy các cô vẫn chọn lấy, dành cuộc đời mình để dạy dỗ thế hệ trẻ mai sau nên người. Có chăng chính các thầy các cô cũng giống như những nhân vật trong các tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, “Những ngôi sao xa xôi”, “Mùa xuân nho nhỏ” mà tôi đã học, là những mùa xuân nhỏ, lặng lẽ cống hiến đời mình cho những điều tốt đẹp hơn, cho tương lai Tổ quốc.
   Thời khắc ra đi, tôi chẳng còn biết nói gì hơn là hàng vạn lời cảm ơn chân thành gửi đến các thầy cô, và nhiều hơn nữa câu xin lỗi, cho những lần lầm lỡ ngây dại. Dù mai sau tôi có trở về trường hay đi tiếp, tôi vẫn mãi mãi ghi nhớ công ơn dạy dỗ của các thầy cô. Và tôi sẽ luôn cố gắng phấn đấu cho mai sau, để khi có dịp, dù cho đó là tình cờ, gặp lại, tôi có thể ngẩng cao đầu mà nói tôi là người thành đạt, là công dân tốt bằng tất cả những gì mà các thầy các cô đã chỉ dạy năm xưa, rằng tôi là người học trò đáng tự hào của họ.
Hạ Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét